Doanh nghiệp cho rằng việc tăng lương tối thiểu vùng chưa chắc đã nâng cao đời sống người lao động, nhưng lại khiến doanh nghiệp "một cổ nhiều tròng".

 


Mức tăng 6,5% được đưa ra dự trên kết quả bỏ phiếu và thương lượng giữa các bên, nhằm đảm bảo đời sống người lao động và sự phát triển của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nói về mức tăng này, đại diện phía doanh nghiệp ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI cho rằng, doanh nghiệp chưa hài lòng với con số 6,5%. Mặc dù năm 2017, tình hình kinh tế đã có nhiều khởi sắc, tuy nhiên hiện các doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn về thị trường, lao động, môi trường kinh doanh và các yếu tố khác. Việc liên tục tăng lương từ năm 2013-2017 sẽ ảnh hưởng lớn đến chi phí doanh nghiệp.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Văn Cẩn, Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, mức tăng 6,5% đã thu hẹp tối đa khoảng cách giữa các bên. Tuy nhiên, quan điểm của đại diện Vitas nếu được, vẫn nên tạm dừng việc tăng lương tối thiểu vùng trong 1-2 năm để doanh nghiệp lấy sức, thay vì tăng liên tục như hiện nay. Trong vòng 10 năm qua từ năm (2007-2017), bình quân hàng năm Việt Nam đã tăng lương tối thiểu ở mức 21,8% đối với doanh nghiệp trong nước và tăng 15% đối với doanh nghiệp nước ngoài. Điều này khiến các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, phải loay hoay tìm giải pháp ứng phó như giảm tiền lương mềm, sử dụng máy móc thay thế người lao động.

Đặc biệt với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như ngành dệt may, da giày, việc tăng lương đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Cẩn cho biết, đặc trưng của ngành này là thường xuyên tuyển thêm lao động mới, do đó mỗi lần tăng lương tối thiểu chi phí nhân công của các doanh nghiệp lại ‘đội” lên do phải bù nhập cho những lao động mới, tay nghề yếu, tăng mức đóng BHXH, BHYT do lương tối thiểu là căn cứ để xác định mức lương khởi điểm trong bảng lương. “Nếu như lương tối thiểu tăng 1 đồng thì chi phí mà doanh nghiệp phải trả cho người lao động phải tăng gấp đôi”, ông Cẩn cho biết.

Việc tăng lương tối thiểu liên tục còn làm giảm khả năng cạnh tranh đầu tư, ảnh hưởng đến thị trường lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, doanh nghiệp không có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, dẫn đến người lao động không có việc làm.

Ông Cẩn cũng cho rằng, thực tế, việc tăng lương tối thiểu vùng chưa chắc đã giúp nâng cao đời sống người lao động do khi lương tăng sẽ kéo theo tăng giá các sản phẩm, dẫn đến tăng chi phí trong đời sống. Hơn nữa, hiện nay trên thị trường lao động cũng mới chỉ có khoảng 9,4 triệu lao động hợp đồng phải áp dụng lương tối thiểu, phần lớn người lao động ở các khu vực phi chính thức không được kiểm soát về lương, nên việc tăng lương sẽ gây mất công bằng trên thị trường lao động.

Phó Giám đốc Công ty May 10, ông Thân Đức Việt cho rằng việc tăng lương và tăng ở mức 6,5% vẫn là một gánh nặng lớn cho doanh nghiệp. Đại diện công ty May 10 vẫn đưa ra quan điểm không nên tăng lương liên tục như hiện nay mà nên có thời gian nghỉ để các doanh nghiệp ổn định sức sản xuất.

Trên thực tế, tăng lương luôn là bài toán khó với doanh nghiệp. Trong khi sức tiêu dùng hiện nay không tăng thì không thể tăng lương vì sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Hơn nữa với mức lương tối thiểu vùng 1 như hiện nay là 3,75 triệu đồng, cộng với hệ số 1,13 theo quy định thì lương tối thiểu mà các doanh nghiệp dệt may trả cho người lao động đã lên đến hơn 4 triệu đồng/tháng. Riêng mức tăng lương tối thiểu vùng như 2017, mức đóng BHXH và các chi phí khác của công ty đã ngấp nghé 22 tỷ đồng.

“Quỹ lương hàng tháng của công ty trả cho người lao động là 60 tỷ đồng/tháng, trong khi lợi nhuận cả năm công ty chỉ đạt khoảng 50 tỷ đồng. Việc tăng lương dẫn đến tăng các chi phí khác như BHXH, BHYT, khiến doanh nghiệp phải chịu áp lực lớn về chi phí trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn và giảm khả năng cạnh tranh so với các nước khác trong khu vực có chi phí lao động thấp hơn như Myanma, Campuchia…”, ông Thân Đức Việt cho biết./.
 

Theo Nguyễn Trang/VOV

.