Theo báo cáo sơ kết của Thành ủy, sau 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020”, các cấp, các ngành Thành phố đã tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả đạt được nhiều kết quả về công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Theo đó, Hà Nội hiện có 64.709 đơn vị, tổ chức doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, trong đó có 51.703 doanh nghiệp và 205 cơ sở y tế khám chữa bệnh ký hợp đồng khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT, với 22 bệnh viện tuyến Trung ương. Hà Nội cũng là địa phương có số tiền chi trả và đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng lớn nhất cả nước với số tiền chi trả trung bình là 2 ngàn 400 tỷ đồng/01 tháng cho 570.340 đối tượng thụ hưởng, số người có thẻ BHYT hơn 6 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 82,6% dân số.
Công tác thu, phát triển số đơn vị và người tham gia hàng năm đều hoàn thành đạt và vượt kế hoạch được giao, đảm bảo năm sau cao hơn năm trước với tổng số thu đạt 108.508 tỷ đồng, tăng 93.175 tỷ đồng, tăng 30.575 đơn vị và 277.111 lao động so với năm 2012. Thực hiện tốt chế độ chính sách BHXH, BHYT, chi trả các chế độ kịp thời đầy đủ, an toàn 116.763,6 tỷ đồng, với 5.389.869 lượt người thụ hưởng. Mạng lưới y tế cơ sở không ngừng được củng cố, hoàn thiện cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ, đổi mới phương pháp thực hiện theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường cải cách hành chính, vận hành hệ thống thông tin giám định nhằm kết nối liên thông dữ liệu chi phí KCB với 100% cơ sở KCB BHYT. Đến nay toàn Thành phố có 725 điểm KCB BHYT, đảm bảo KCB cho gần 26 triệu lượt người, đặc biệt đã chi trả trên 41 tỷ đồng cho 94 bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo với mức chi bình quân cho 1 bệnh nhân từ 262 triệu đồng đến 1,24 tỷ đồng, trong đó có 5 bệnh nhân từ trên 1 tỷ đồng.
Với số người tham gia và thụ hưởng BHXH, số lượt KCB BHYT rất lớn, BHXH Thành phố luôn đặc biệt coi trọng công tác cải cách hành chính, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là các phần mềm nghiệp vụ, thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử với 13 thủ tục hành chính trong lĩnh vực thu và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, công tác tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính qua bưu điện miễn phí cho tổ chức và cá nhân; liên thông thủ tục khai sinh - hộ khẩu - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; triển khai thí điểm việc kết nối dữ liệu với ngân hàng, kho bạc, phục vụ kịp thời tổng hợp số liệu thu; triển khai thử nghiệm việc kết nối giữa phần mềm xét duyệt chế độ ốm đau, thai sản với hệ thống thông tin giám định BHYT để kiểm soát, phát hiện kịp thời các trường hợp lạm dụng, làm sai quy định.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH, BHYT cũng được Thành ủy quan tâm thực hiện.Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ Quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các ban, ngành, các quận, huyện, thị xã triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT. Công tác tuyên truyền được thực hiện chủ động, sáng tạo với nhiều hình thức như: Tổ chức hội nghị, lồng ghép nội dung trong các hội nghị, đối thoại trực tiếp đến người lao động và nhân dân; biên soạn, in, phát hành các ấn phẩm tuyên truyền: 2,8 triệu tờ rơi, tờ gấp những điều cần biết về BHXH, BHYT; 1.373 bảng thủ tục hành chính về những điều cần biết khi đi khám chữa bệnh BHYT;…
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế như tổng số tiền nợ BHXH trong 7 tháng đầu năm 2017 vẫn là 3.361,7 tỷ đồng (chiếm 10,1%) kế hoạch thu BHXH Việt Nam giao. Số tiền nợ BHXH tuy đã giảm 19,2% so với cùng kỳ năm 2016 và tỷ lệ nợ có xu hướng giảm qua các năm nhưng Hà Nội vẫn là địa phương có số tiền nợ cao nhất cả nước. Đặc biệt, có 4.569 doanh nghiệp đã ngừng giao dịch, đơn phương chấm dứt giao dịch, bỏ trốn, mất khả năng thanh toán, phá sản, giải thể với số tiền 478,8 tỷ đồng (chiếm 18.3% tổng số nợ của doanh nghiệp, đến nay vẫn chưa có phương án xử lý nợ đối với những doanh nghiệp này và giải quyết chế độ của người lao động). Các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước tham gia BHXH, BHYT cho người lao động còn hạn chế, vẫn còn một số nhóm chưa tham gia hoặc tham BHXH, BHYT với tỷ lệ thấp, tập trung chủ yếu vào đối tượng người lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình nông, lâm nghiệp có mức sống trung bình và nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình. Công tác khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa còn vướng mắc, tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT chưa đạt 100%, chi phí khám chữa bệnh BHYT có xu hướng tăng, nhất là 7 tháng đầu năm 2017, gây bội chi BHYT.
Hà Anh