Công ty Kao Việt Nam thua lỗ nhiều năm liên tục, lũy kế trong 5 năm (từ năm 2008 đến năm 2012) đã lỗ 38,137 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đang muốn kiểm tra sâu hơn về hoạt động của Công ty này.
Theo số liệu từ Cục Thuế Đồng Nai, lũy kế trong 5 năm (kể từ năm 2008 đến năm 2012), công ty này thua lỗ liên tục, với 38,137 tỷ đồng (khoảng 1,8 triệu USD).
Liên quan đến vấn đề này, trong một văn bản gửi đến Báo Đầu tư, ông Tshuneo Oba, Tổng giám đốc Kao Việt Nam đã khẳng định, qua các kỳ quyết toán thuế, Kao vẫn có những năm kết quả hoạt động kinh doanh có lợi nhuận.
“Việc này đã được cơ quan thuế xác nhận. Đồng thời, chúng tôi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp ngân sách cho Nhà nước”, ông Tshuneo Oba cho biết.
Tuy nhiên, theo nguồn tin từ Cục Thuế Đồng Nai, trong lịch sử 18 năm hoạt động của mình tại Việt Nam, Kao chỉ có lợi nhuận đúng 1 năm. Và dù trong 5 năm qua, Kao đã nộp hơn 20 tỷ đồng tiền thuế, nhưng khoản đóng góp này chủ yếu là thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, chứ không có thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này càng khẳng định, Kao không có lợi nhuận trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình.
Theo một nguồn tin riêng của Báo Đầu tư điện tử, do sốt ruột với tình trạng thua lỗ kéo dài của Kao, nên đầu tháng 7/2013, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan tiến hành kiểm tra một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thua lỗ kéo dài để tìm hiểu nguyên nhân. Trong số này, có Kao Việt Nam.
Kao được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ cuối tháng 11/1995 và xây dựng nhà máy trên diện tích hơn 52 ha của Khu công nghiệp Amata (Đồng Nai). Dự án có tổng vốn đăng ký 100 triệu USD, nhưng mới giải ngân được 59,5 triệu USD.
Sau khi chính thức được thành lập và xây dựng nhà máy, đầu năm 1997, Kao Việt Nam tung ra sản phẩm đầu tiên là sữa rửa mặt Bioré, sau đó đến sản phẩm gel vuốt tóc Sifoné. Năm 1998, Công ty giới thiệu tiếp ra thị trường sản phẩm băng vệ sinh phụ nữ Laurier cùng với Men’s Bioré, sản phẩm sữa rửa mặt dành cho nam.
Tại thị trường Việt Nam, Kao đang phải cạnh tranh với một loạt tên tuổi lớn, như P&G, Unilever, Kimberly-Clark. Một kết quả khảo sát của Euromonitor cho biết, các sản phẩm vệ sinh của Kao chỉ chiếm thị phần 1,2%; con số này ở sản phẩm tắm gội là 0,7%. Trong khi đó, Kimberly-Clark và Unilever có thị phần lớn hơn rất nhiều, tương ứng là 37% và 35% ở các sản phẩm tắm gội.
Nhìn vào những con số này, cũng phần nào có thể hiểu vì sao Kao những năm qua kinh doanh không mấy thuận lợi. Có lẽ chính vì vậy mà tháng 12 năm ngoái, khi trả lời phỏng vấn Hãng tin Bloomberg, ông Michitaka Sawada, Chủ tịch Tập đoàn Kao đã cho biết, Kao đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy mới tại khu vực Đông Nam Á để gia tăng hoạt động kinh doanh, phân phối tại thị trường Việt Nam.
“Chúng tôi muốn tăng gấp đôi, gấp ba hoạt động kinh doanh tại Việt Nam”, ông Michitaka Sawada nói.
Vẫn là một câu hỏi thường đặt ra khi các doanh nghiệp FDI kinh doanh thua lỗ kéo dài nhưng lại muốn mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, là có hay không chuyện lỗ giả, lãi thật và chuyển giá?
Câu hỏi này đã được Cục Thuế tỉnh Đồng Nai trả lời rằng: “Chưa có cơ sở để xác định chuyển giá”, dù các công ty này “có kê khai giao dịch liên kết” - một câu trả lời chung cho câu hỏi của Báo Đầu tư về việc một số doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh thua lỗ kéo dài nhiều năm.
“Cục Thuế đang tiếp tục thu thập thêm nhiều thông tin để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách nhà nước”, ông Nguyễn Văn Ngàn, Phó cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai cho biết.
Theo Báo Đầu tư