(BVPL) - Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp chủ yếu trong hoạt động thương mại và ngày càng được doanh nghiệp lựa chọn. Cùng với đó, Nhà nước cũng có nhiều chính sách để khuyến khích sự phát triển của trọng tài thương mại, đặc biệt pháp luật về trọng tài thương mại cũng dần được hoàn thiện. Tuy nhiên, thực tế tình trạng các phán quyết của trọng tài bị huỷ, không được công nhận và thi hành còn khá nhiều, điều này khiến không ít doanh nghiệp lo ngại khi lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài thương mại.

 


Đồng thời, ông đưa ra kiến nghị: Luật Trọng tài thương mại có hiệu lực từ 2011 nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn, điều này gây khó khăn trong quá trình thực hiện của các trọng tài. Vì vậy, Tòa án nhân dân tối cao cần sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn thi hành Luật Trọng tài thương mại. Ngoài ra, Tòa án nhân dân tối cao cần có bộ phận theo dõi việc hủy phán quyết trọng tài để từ đó có sự áp dụng thống nhất trong Tòa án trên toàn quốc. Các Tòa án địa phương cũng cần phải có thẩm phán chuyên sâu giải quyết các vấn đề liên quan đến trọng tài.

Chia sẻ kinh nghiệm, bà Chiann Bao – Tổng thư ký Trung tâm trọng tài Quốc tế Hồng Kông cho biết: quy trình của thủ tục công nhận và thi hành ở Hồng Kông được tiến hành qua hai bước: Người nộp đơn đơn phương nộp đơn lên tòa án (một thẩm phán và trên giấy) để xin phép cho thi hành và yêu cầu thực hiện phán quyết; và bị đơn có thể nộp đơn yêu cầu hủy phán quyết tại một phiên xét xử giữa các bên trong vòng 14 ngày. Trong khi đó, ở Việt Nam có tới 4 bước, lần lượt là: Người nộp đơn gửi đơn yêu cầu lên Bộ Tư pháp 7 ngày để chuyển hồ sơ cho tòa án có thẩm quyền; Tòa án có thẩm quyền có 2 tháng để xem xét về việc có mở thủ tục xét đơn yêu cầu hay không; Nếu quyết định xét đơn yêu cầu, Tòa án phải mở phiên họp xét đơn trong vòng 20 ngày do hội đồng xét đơn yêu cầu gồm 3 thẩm phán, Bị đơn được triệu tập tới phiên họp; Quyết định có thể được kháng cáo trong vòng 15 ngày kể từ ngày ra quyết định. Điều này gây mất nhiều thời gian, do vậy, theo bà Chiann Bao, Việt Nam cần sửa đổi khuôn khổ pháp lý để thực hiện Công ước & Luật mẫu UNCITRAL; tinh giản và điều chỉnh lại thủ tục công nhận phán quyết nước ngoài. Cùng với đó là nâng cao năng lực của các thẩm phán tại Tòa án, tạo mối quan hệ gần gũi giữa Tòa án, trọng tài và doanh nghiệp.
 

Vĩnh Hoàng

.