Làm ăn tại Việt Nam, các công ty Nhật Bản muốn tìm nhà cung cấp linh kiện bản địa nhưng đành “bó tay” do số lượng doanh nghiệp quá ít, sản phẩm nghèo nàn và chất lượng chưa đạt yêu cầu. Họ thậm chí còn phải tìm nhà cung cấp qua danh bạ điện thoại.
 


Mất cơ hội

Nhiều DN cho biết, mục đích tăng tỉ lệ nội địa không phải để chuẩn bị cho lộ trình hội nhập AFTA vào năm 2018 mà là để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Theo tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), có tới 70% số DN Nhật mong muốn tìm được nhà cung cấp tại Việt Nam. Tăng nội địa hóa tại Việt Nam rất quan trọng bởi nó sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, đảm bảo thời gian cung ứng hàng và nâng cao năng suất.

Hiện nguồn cung ứng từ Nhật Bản vẫn chiếm tới 55,3% và các DN Nhật mong muốn giảm tỷ lệ nhập khẩu linh kiện từ Nhật Bản. Nếu không đạt được yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa thì thời gian tới, khả năng cạnh tranh của các DN Nhật Bản tại Việt Nam sẽ rất khó khăn.

Theo ông Motonobu Sato - Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV), cần phải tạo ra sự liên kết giữa DN Nhật Bản và Việt Nam để cùng phát triển công nghiệp hỗ trợ, cùng chia sẻ, chuyển giao công nghệ, tuy nhiên chính sách phải tốt và ưu đãi phải hấp dẫn cùng nguồn nhân lực được đào tạo có chất lượng, nếu không sẽ chẳng có cơ hội.

Công nghiệp hỗ trợ yếu kém sẽ là thách thức lớn với Việt Nam khi thời điểm hội nhập AFTA đến gần. Đến 2015 Hiệp định AFTA có hiệu lực và đến 2018 các sẽ dỡ bỏ hàng rào thuế quan, khi đó DN sẽ tự do hơn về biên giới, về giao dịch kinh tế, họ sẽ cân nhắc xem tìm nơi đầu tư có môi trường thuận lợi để đầu tư và tất nhiên những nơi có công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh như Thái Lan, Indonesia... sẽ được ưu tiên, còn Việt Nam sẽ bị bỏ rơi.
 

Theo Vietnamnet

.