Nổi tiếng là nhà sản xuất kinh doanh đồ gỗ lớn nhất Việt Nam, được mệnh danh ông trùm đồ gỗ Việt nhưng doanh nhân Võ Trường Thành và DN của ông đang ngập trong khoản nợ ngắn hạn trên 1.500 tỷ đồng.

 


Với việc thắt chặt chính sách tiền tệ, lãi suất tăng vọt lên 18-20% cũng như những quyết định vay tiền có lẽ dễ dãi đã khiến TTF liên tục đứng trên bờ vực phá sản. 2008 là năm đầu tiên TTF chứng kiến tổng nợ cũng như nợ ngắn hạn vượt vốn chủ sở hữu và vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng. Các năm tiếp theo nợ ngắn hạn (luôn ở mức suýt soát bằng tổng nợ) liên tục tăng mạnh và lên tới đỉnh điểm là trên 2.400 tỷ đồng vào cuối năm 2011.

Riêng trong năm 2010, tiền trả lãi vay ngân hàng của TTF đã là trên 170 tỷ đồng. Năm 2011, DN này phải chi hơn 230 tỉ đồng để trả lãi vay ngân hàng, gấp 23 lần lợi nhuận tập đoàn mang về cho cổ đông. Sức ép lãi vay là rất lớn, trong khi kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn khi đó không khả thi.

Cuối năm 2012, đầu năm 2013 có lẽ đợt khủng hoảng lớn thứ ba của DN này và có lẽ cũng là một đợt khó khăn rất lớn bởi nợ ngắn hạn vẫn ở mức cao xấp xỉ các năm trước đó nhưng dòng tiền vào - doanh thu của DN lại tụt giảm nghiêm trọng. Nhiều quý doanh thu đã xuống dưới 500 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận có quý lỗ, có quý về gần bằng 0.

Cuối quý III/2012, quy mô vốn vay của có tín hiệu giảm xuống và lãi vay cũng giảm từ 18-20% xuống 13-15% theo diễn biến chung trên thị trường. Tuy nhiên, cái khó về dòng tiền có lẽ tệ hại không kém.

Tới cuối quý II/2013, tiền và tương đương tiền của TTF chỉ còn hơn 2,3 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn lên tới trên 2.100 tỷ đồng, trong đó vay nợ ngắn hạn các ngân hàng gần 1.570 tỷ đồng, nợ thuế và người lao động là trên 85 tỷ đồng…

Dù đã có nhưng lần thoát chết trong lịch sử nhưng lần này, nhiều người lo ngại về tình trạng đầu tư dàn trải với 14 công ty con, 2 liên kết, về khối nợ khổng lồ, cao hơn vốn chủ sở hữu, cũng như triển vọng của ngành gỗ.

Quy mô hiện nay của TTF lớn hơn nhiều so với cách đây hơn 10 năm do vậy nếu dòng tiền không được đảm bảo thì bất kỳ DN nào cũng có thể gục ngã trên đống tài sản và thương hiệu của mình. Đợt phát hành 14,4 triệu cổ phiếu nếu tốt đẹp cũng chỉ thu về hơn 70 tỷ đồng, rất nhỏ nếu so với tổng nợ ngắn hạn gần 2.100 tỷ đồng. Trong khi tồn kho tới cuối quý II/2013 là 2.041 tỷ đồng, cao hơn so với đầu năm 1.964 tỷ.

Một điều các cổ đông quan tâm, hiện nay, ông Thành chỉ còn nắm 7,4 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 10,8% của TTF. Mọi vấn đề ở DN và các bước đi sẽ bị chi phối bởi rất nhiều các cổ đông lớn khác, nó hoàn toàn khác với vai trò chi phối và khả năng tự quyết của ông Thành cách đây 10 năm.
 

Theo Vietnamnet

.