"Ôm" nhiều tin đồn, HAG phá đáy chính mình
Cập nhật lúc 20:45, Thứ ba, 29/12/2015 (GMT+7)
Năm 2015 có lẽ năm đầy biến động đối với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai khi liên tiếp dính phải những tin đồn bất lợi khiến giá cổ phiếu rớt xuống mức thấp nhất từ khi niêm yết cho đến nay. (Hoàng Anh Gia Lai, cổ phiếu, Đoàn Nguyên Đức)
Năm 2015 có lẽ năm đầy biến động đối với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai khi liên tiếp dính phải những tin đồn bất lợi khiến giá cổ phiếu rớt xuống mức thấp nhất từ khi niêm yết cho đến nay.
“Ôm” nhiều tin đồn
Việc cổ phiếu HAG xuống vùng thấp nhất trong lịch sử xuất phát một phần từ những phân tích về số liệu báo cáo tài chính của công ty này. Hồi cuối tháng 5, một báo cáo phân tích về HAG của Công ty Chứng khoán HVS Việt Nam được giới tài chính “đào xới” đã khiến giá cổ phiếu HAG trên sàn chứng khoán “lĩnh đủ” đòn đau. Báo cáo này đề cập đến khoản nợ hàng nghìn tỷ của Hoàng Anh Gia Lai và phân tích khá kỹ áp lực tài chính lên công ty. Thông tin từ báo cáo này lan rộng trên các diễn đàn, sau đó, phần lớn các con mắt nhìn vào tình hình tài chính HAG cũng “xoi mói” đến những khoản nợ nhiều hơn là bất cứ chỉ số nào khác.
Sau đó, HVS Việt Nam đã tung ra những nhận định trấn an, cho rằng, trong quý 1/2015, tuy tổng tài sản chỉ có khoảng 40.000 tỷ đồng nhưng đây là những giá trị tài sản được ghi nhận theo nguyên giá. Điều đó có nghĩa giá trị thị trường của các tài sản này chưa được đánh giá lại cho phù hợp. Nếu nhà đầu tư xem xét sẽ thấy HAG đang sở hữu xấp xỉ 100.000 ha đất nông nghiệp bao gồm cọ dầu, cao su, mía... Mặc dù vậy, dường như là quá trễ với sự hấp thụ thông tin quá nhanh và quá nhạy của giới đầu tư trên thị trường chứng khoán. Nhìn vào đồ thị có thể thấy, diễn biến giá HAG trong năm 2015 là một chuỗi trượt dài.
Để ngăn chặn, doanh nhân Đoàn Nguyên Đức đã phải lên tiếng phủ nhận và tuyên bố sẽ báo cáo cơ quan chức năng xử lý người tung tin. Tuy nhiên, động thái này của ông chủ Tập đoàn HAG cũng không làm thay đổi được giá cổ phiếu của Công ty.
Bên cạnh đó, thông tin về kết quả kinh doanh của HAG cũng không làm nhà đầu tư phấn khởi hơn. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý 3 của Hoàng Anh Gia Lai chỉ đạt 429 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, dù doanh thu tăng 117%, đạt 5.203 tỷ đồng song lợi nhuận của Tập đoàn vẫn giảm gần 19% xuống 1.342 tỷ đồng. So với kế hoạch 2.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, doanh nghiệp đã hoàn thành 72% mục tiêu. Trong khi đó, tính đến 30/9, tổng tài sản của Hoàng Anh Gia Lai đạt 47.603 tỷ đồng, tăng 32% so với đầu năm. Tổng nợ phải trả là 30.722 tỷ đồng, tăng gần 48% so với con số 20.929 tỷ đồng hồi đầu năm. Riêng nợ ngắn hạn đã vượt 13.000 tỷ đồng, nợ dài hạn hơn 17.600 tỷ đồng.
Điểm sáng nhất của Hoàng Anh Gia Lai trong năm qua là đưa cổ phiếu HNG của Công ty Nông nghiệp Quốc tế (vốn điều lệ hơn 7.000 tỷ đồng) chào sàn HOSE ngày 20/7 với giá 28.000 đồng. Đồng thời, nguồn thu từ bán bò của Hoàng Anh Gia Lai cũng được ghi nhận khả quan và đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu doanh thu của Tập đoàn.
Cùng với đó dự án tại Myanmar cũng có thể được coi là cứu cánh cho HAG lúc này, khi dự án bất động sản tại Myanmar phát tín hiệu khả quan, nối tiếp sau thành công từ mảng chăn nuôi bò.
Hoàng Anh Gia Lai đã giao Ban Tổng giám đốc rà soát hiệu quả sử dụng vốn đối với tất cả khoản vay; tiến hành làm việc với các trái chủ, tổ chức tín dụng để đưa ra các phương án tái cấu trúc kỳ hạn vay phù hợp. Từ đó, Công ty sẽ quản lý dòng tiền tốt hơn, tránh áp lực thanh khoản ngắn hạn và phù hợp với các nguồn thu dài hạn của Tập đoàn.
Theo NTD
.