(BVPL) - Từ 13/9/2001, bằng quyết định 46/2001/QĐ-UB, UBND tỉnh Quảng Nam đã cho sáp nhập Trạm nuôi trồng và phát triển dược liệu Quảng Nam (được gọi tắt là: Trạm dược liệu Trà Linh) vào Công ty Dược vật tư y tế Quảng Nam (đến 2013 đổi tên là: Công ty CP Thương mại - Dược - Sâm ngọc Linh Quảng Nam). Trên cơ sở trách nhiệm được giao phó, công ty đã tập trung rất nhiều tâm huyết và tài lực để đầu tư vào Trạm dược liệu Trà Linh cho một chiến lược phát triển dài hơi.
Cây sâm “bấp bênh” vì quyết định 3337 của Tỉnh
Qua hơn 10 năm dưới sự quản lý, điều hành của Công ty, mặc dù điều kiện nuôi trồng, bảo vệ gặp nhiều khó khăn khắc nghiệt nhưng vẫn đạt được những thành quả rất đáng khích lệ. Từ con số 124.125 cây nhận kiểm kê lúc đầu, đến năm 2012 công ty đã gieo ươm được 1.165.951 cây giống (tăng gần 10 lần); Về diện tích nuôi trồng khoảng từ 02ha năm 2001 lên gần 10ha hiện nay (tăng gấp 05 lần); số lượng Sâm trồng trong nhân dân phát triển mạnh mẽ từ nguồn cây giống do trạm cung cấp.
Trong khi đó, Ths Luật , Nguyễn Thị Sinh, người bảo vệ pháp lý cho công ty CP thương mại Dược - Sâm - Ngọc Linh Quảng Nam khẳng định: Từ khi chuyển sang cổ phần hóa (năm 2005) đến nay, Công ty không hề nhận được sự quan tâm chỉ đạo cụ thể gì cũng như không được nhận sự hỗ trợ nào về tài chính từ UBND tỉnh nhưng công ty vẫn làm tốt việc giữ gìn bảo tồn nguồn gen, phát triển diện tích cây sâm, thực hiện nhiệm vụ cung cấp giống cho dân nhằm mục tiêu góp phần xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội.
Thế nhưng, chỉ vì lý do cho là tài sản của nhà nước, UBND tỉnh Quảng Nam bất ngờ ra quyết định số: 3337/QĐ-UBND ngày 29/10/2013, "trao thẳng" Trạm dược liệu Trà Linh cho Trung tâm phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam. Đây là một đơn vị mới được thành lập một cách vội vã, không hề có kinh nghiệm trong việc nuôi trồng phát triển cây sâm Ngọc Linh.
|
Ông Hồ Văn Du- phó Trạm dược liệu Trà Linh |
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Lê Phương, trưởng trạm dược liệu Trà Linh cho biết, cây sâm Ngọc Linh là một trong những cây thuốc quý, hiếm nhất Việt Nam hiện nay. Điều đáng nói là giống cây này đòi hỏi những điều kiện chăm sóc công phu, ngặt nghèo, nếu không có kinh nghiệm thì sẽ rất khó để nuôi trồng và phát triển. Ngoài ra, việc bảo vệ cây Sâm cũng là điều vô cùng phức tạp.
Như vậy chỉ bằng một quyết định khó hiểu trên, UBND tỉnh Quảng Nam đã đẩy số phận cây sâm Ngọc Linh vào một trạng thái vô cùng “bấp bênh”, đồng thời khiến công ty CP Thương mại - Dược - Sâm ngọc Linh Quảng Nam có nguy cơ mất trắng toàn bộ thành quả hơn 10 năm đầu tư công sức, tiền bạc. Quyết định trên cũng khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi về những uẩn khúc đằng sau nó.
Đi tìm lời giải cho những quyết định nhiều uẩn khúc
Lật lại hồ sơ vụ việc có thể thấy, gần 10 năm qua, công ty CP Thương mại - Dược - Sâm Ngọc Linh Quảng Nam đã đầu tư nhiều công sức vào Trạm dược liệu Trà Linh. Thế nhưng chỉ trong vòng gần 3 tháng cuối năm 2013 đầu 2014, Sở y tế đã 3 lần ban hành kế hoạch "tiếp quản" Trạm dược liệu Trà Linh khi chưa có một thỏa thuận cụ thể nào giữa UBND tỉnh và Công ty. Để làm sáng tỏ vấn đề này PV đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở y tế Quảng Nam thì được ông… "thoái thác" : “chúng tôi thu hồi trạm dược liệu theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh”.
Đi sâu làm rõ, PV được một số nhân viên của Trạm dược liệu cho biết, vào ngày 11/12/2013 có đoàn công tác lên công bố các văn bản về việc thành lập Trung tâm phát triển sâm và tiếp quản Trạm dược liệu. Tuy nhiên thực tế buổi làm việc hôm đó không hề có người bàn giao, cũng không có người tiếp quản. Theo công bố thì thành phần đoàn công tác có 8 người, tuy nhiên chỉ có 3 người xuất hiện, 5 người còn lại không thấy giấy tờ chi và cũng không có tham dự cuộc họp. Đồng thời đoàn công tác cũng đề nghị những nhân viên của Trạm dược liệu ký hợp đồng lao động mới với Trung tâm phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam, trong khi những người này vẫn đang là nhân viên của công ty CP Thương mại - Dược - Sâm Ngọc Linh Quảng Nam. Với cách "tiếp quản" lộn xộn như vậy, nhiều anh em trong Trạm không đồng tình thì "đoàn công tác" cho biết, những ai phản đối thì phải xuống núi về công ty để công ty sắp xếp cho công việc khác.
Tại buổi gặp PV, ông Hồ Văn Du, phó Trạm dược liệu chia sẻ: chúng tôi là những người dân cả đời sinh sống tại đây, nếu bảo chúng tôi xuống núi làm việc thì chúng tôi chẳng biết phải làm gì. Hôm 26/2/2014 đoàn lên tiếp quản có hứa với anh em trên đây là sẽ về làm việc với công ty để thanh lý hợp đồng, thế nhưng đến hôm nay vẫn chưa có thông tin gì về kết quả làm việc như đã hứa. Thời gian vừa qua có một số thông tin nói công ty không phát lương cho nhân viên, tuy nhiên mọi người đều biết để đi từ trụ sở công ty lên đến Trạm dược liệu thì nhân viên phát lương phải đi xe mất hàng tiếng đồng hồ mới đến được chân núi, sau đó phải leo bộ nửa ngày nữa mới lên đến nơi. Vì quãng đường khó khăn như vậy nên nhiều khi nhân viên công ty trả gộp 2 tháng một lần, chúng tôi hoàn toàn đồng ý và thông cảm. Điều chúng tôi mong muốn là Trung tâm và Công ty cần sớm có thoả thuận để trên đây ổn định được tình hình, chứ cứ lộn xộn như thế này rất dễ xảy ra mất trộm sâm. Nếu có chuyện gì xảy ra chúng tôi không thể chịu trách nhiệm khi lỗi không thuộc về mình.
Được biết, dù ông Hồ Văn Du chưa hề ký hợp đồng lao động với Trung tâm và ông Du đang thuộc biên chế của công ty CP Thương mại - Dược - Sâm Ngọc Linh Quảng Nam. Thế nhưng, không hiểu dựa trên cơ sở nào, vào ngày 25/2/2014, Trung tâm phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam đã ra quyết định bổ nhiệm ông Hồ Văn Du vào vị trí Phó trưởng Trạm dược liệu Trà Linh thuộc Trung tâm Sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam(?) .
Trước những rắc rối trong việc quản lý Trạm dược liệu Trà Linh, Chiều 8/1, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã chủ trì cuộc họp với các bên liên quan về việc tiếp nhận, quản lý Trạm dược liệu Trà Linh. Nhiều cơ quan báo chí đã theo dõi và đưa tin về cuộc họp này, theo đó tại cuộc họp, ông Lê Phước Thanh, chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: "về mặt pháp lý, Trạm dược liệu Trà Linh là tài sản của Nhà nước, không bàn giao cho bất cứ doanh nghiệp nào". Thế nhưng không hiểu tại sao sau đó, cũng tại cuộc họp, ông Thanh lại nêu "nếu đơn vị nào làm tốt việc phát triển cây sâm, tỉnh sẽ giao tiếp nhận và quản lý Trạm sâm, không phân biệt đơn vị Nhà nước hay tư nhân".
Dư luận đặt câu hỏi liệu lời giải cho những quyết định nhiều uẩn khúc của UBND tỉnh Quảng Nam thời gian vừa qua đang nằm sau những phát biểu bất nhất trên (?)
|
Phạm Khoa