Nhằm cải thiện tình trạng thiếu điện, tiến tới đáp ứng nhu cầu sử dụng điện năng để phát triển kinh tế xã hội cho người dân tại khu vực phía Nam, nửa cuối năm 2010, Chính phủ đã đồng ý cho PVN làm chủ đầu tư xây dựng dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1(xã Long Đức, Long Phú, Sóc Trăng).
|
Máy móc tại lễ khởi công Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 |
Tuy nhiên kể từ khi khởi công đến nay, việc xây dựng nhà máy gần như dậm chân tại chỗ. Các bộ ngành liên quan đã phát hiện các dấu hiệu không minh bạch trong việc lựa chọn tổng thầu EPC cho dự án của chủ đầu tư. Từ việc lựa chỉ định tổng thầu thiếu năng lực, không có kinh nghiệm dẫn đến dự án đi vào bế tắc và vì vậy người dân miền Nam được dự báo là vẫn tiếp tục thiếu điện trong các năm 2015, 2016.
Hệ lụy của việc chỉ định tổng thầu với tốc độ… siêu thanh
Được biết, tháng 7/2010 PVN đã xây dựng và phê duyệt dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 với tổng mức đầu tư lên đến 1,2 tỉ USD, công suất thiết kế 1.200 MW điện. Để triển khai xây dựng dự án, ngày 2/12/2010 lãnh đạo PVN có văn bản số 10491/DKVN-HĐTV xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ phê duyệt phương án và nhà thầu EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công công xây dựng công trình). Ngày 28/12/2010, Phó Thủ tướng Chính phủ, Hoàng Trung Hải tại văn bản số 9422/VPCP- KTN đồng ý về nguyên tắc cho PVN tiến hành thủ tục chỉ định tổng thầu EPC.
Tại văn bản này, Phó Thủ tướng chỉ đạo rõ là PVN phải chịu trách nhiệm về việc lựa chọn tổng thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm để triển khai dự án đúng tiến độ, đảm bảo kỹ thuật, chất lượng, hiệu quả dự án. Theo tìm hiểu của phóng viên, thay vì phải nghiên cứu rõ tinh thần chỉ đạo của Chính phủ thì cùng ngày với việc Phó Thủ tướng Chính phủ đồng ý về mặt nguyên tắc cho PVN được lựa chọn, chỉ định tổng thầu EPC cho dự án có ý nghĩa kinh tế xã hội lớn này, thì PVN nhanh chóng ký hợp đồng (ngày 28/12/2010) tổng thầu EPC với Tổng Cty cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (sau đây viết tắt là PTSC). Tiếp đó, sau 1 tuần (ngày 5/1/2011) PVN tổ chức khởi công dự án.
Với tư cách là tổng thầu EPC dự án, PTSC đã thực hiện lựa chọn nhà thầu cung cấp thiết bị cho gói thầu EPC với điều kiện thu xếp vốn tín dụng xuất khẩu ECA cho ít nhất 80% giá trị hợp đồng và tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng là G7 hoặc tương đương. Tuy nhiên khi thực hiện dự án, tổng thầu PTSC đã thể hiện sự lúng túng, thiếu kinh nghiệm, không đủ năng lực khi điều hành dự án dẫn đến dự án gần như dẫm chân tại chỗ và hậu quả là tổng vốn đầu tư của dự án có thể bị nâng lên rất nhiều do trượt giá.
Ngày 7/5/2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản số 2863/KHĐT-QLĐT khẳng định: “PTSC chưa có kinh nghiệm làm tổng thầu EPC dự án nhà máy nhiệt điện than. Cần làm rõ việc xác định năng lực, kinh nghiệm làm tổng thầu của PTSC đã tuần thủ theo quy trình chỉ định thầu hay chưa? Yêu cầu cần phải nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân, đơn vị không thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ tại văn bản số 9422/VPCP- KTN ngày 28/12/2010”. Bộ KH&ĐT cũng khẳng định dự án chậm tiến độ do: “các phương án của Tổng thầu PTSC phân chia thiết bị chính nhà máy thành các gói thầu không hợp lý. Điều này thể hiện năng lực, kinh nghiệm của PTSC đối với việc thực hiện dự án nhiệt điện là chưa đáp ứng được yêu cầu đối với một tổng thầu EPC của một nhà máy nhiệt điện lớn. PTSC phải chịu trách nhiệm trong việc để xẩy ra chậm trễ kéo dài này.”
Tại văn bản số 493/BCT- TCNL ngày 21/6/2013 của Bộ Công thương gửi Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định: “Việc PVN thực hiện chỉ định PTSC làm tổng thầu EPC cùng ngày với ngày chỉ đạo của Chính phủ là thể hiện sự vội vàng và thiếu chặt chẽ trong việc thực hiện thủ tục chỉ chỉ định thầu EPC cho dự án. Sau 2,5 năm, PVN/PTSC chỉ mới sơ bộ xác định được nhà thầu cung cấp thiết bị và thu xếp tài chính cho dự án là liên danh PM- BTG và GEC- Gell là quá chậm, dẫn đến nguy cơ thiếu nguồn điện khu vực phía Nam trong các năm 2015 và 2016”.
|
Tập đoàn dầu khí Việt Nam- nơi đang loay hoay trong lựa chọn tổng thầu cho dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 |
Sửa sai một cách khó hiểu
Để “chữa cháy” cho Tổng thầu PTSC, ngày 6/3/2013 PVN có văn bản số 24/DKVN-HĐTV gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị được thay đổi tổng thầu EPC từ PTSC là tổng thầu thành Liên danh tổng thầu EPC gồm , PM- PTG (OJSC Power Machines và BTG Holding S.R.O) và PTSC, trong đó PM – BTG là thành viên đứng đầu liên danh!. PVN cũng đề nghị nâng tổng mức đầu tư và giá trị tổng thầu EPC với lý do giá nguyên, nhiên liệu tăng.
Với những đề xuất chéo nghoe này, các bộ là: Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ Công Thương đều có văn bản khẳng định: PTSC chưa có kinh nghiệm làm tổng thầu EPC dự án nhà máy nhiệt điện than. Việc PVN đề xuất thay đổi tổng thầu EPC từ PTSC sang liên danh giữa PTSC và PM- BTG là không có căn cứ pháp lý, chưa có tiền lệ, có thể dẫn đến sự thiếu minh bạch trong việc xác định giá trị hợp đồng, làm tăng tổng mức đầu tư trong khi dự án trên thực tế chưa được triển khai thực hiện sẽ đẩy tăng giá điện mà EVN phải mua và các hệ quả không tốt khác trong quá trình thực hiện dự án.
Đặc biệt, Bộ Tài chính yêu cầu: “Quy định hiện hành của pháp luật về đấu thầu không có quy định trường hợp được điều chỉnh chủ thể nhà thầu trong hợp đồng, vì vậy PVN phải nêu rõ cơ sở pháp lý về việc đề xuất điều chỉnh trên”. Các bộ này cũng đồng thời yêu cầu PVN chấm dứt hợp đồng với PTSC và cảnh báo năng lực liên danh tổng thầu EPC (gồm PTSC, PM và PTG) cho dự án mà PVN đề xuất là có vấn đề. Văn bản số 493/BCT-TCNL ngày 21/6 của Bộ Công thương chỉ rõ nhà thầu PM (OJSC Power Machines) có tồn tại, khiếm khuyết trong dự án đã thực hiện tại Nhà máy điện Uông Bí, Quảng Ninh. Tìm hiểu của phóng viên cho hay, năm 2011 với tư cách là nhà thầu phụ tại dự án Nhà máy nhiệt điện Uông Bí và đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với đơn vị tổng thầu do mâu thuẫn trong làm ăn.
Về năng lực tài chính của nhà thầu PM và BTG cũng đã được Tổng công ty Tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam, chi nhánh TP. Hồ Chí Minh có văn bản số 1706 cảnh báo rằng: “Trong đề xuất tài chính của tổ hợp nhà thầu này là các tổ chức tín dụng xuất khẩu (ECA) hỗ trợ cho nhà thầu gồm (Eximbanka, Egap, Exiar) đều có ít hoặc chưa có giao dịch trên thị trường tài chính nói chung và Việt Nam nói riêng, điều này sẽ làm giảm sự quan tâm của các ngân hàng quốc tế đối với dự án, sẽ làm chủ đầu tư mất nhiều thời gian hơn cho quá trình đàm phán, làm tăng chi phí cho dự án.
Bỏ qua những cảnh báo về năng lực tài chính, kinh nghiệm tổng thầu cho dự án, mới đây Tổng Cục năng lượng lại có văn bản gửi PVN yêu cầu xem xét thực hiện thủ tục chỉ định tổ hợp nhà thầu gồm PTSC – PM – BTG làm tổng thầu EPC cho dự án. Dư luận lo ngại khi mà năng lực tài chính, kinh nghiệm của các nhà thầu này chưa được làm rõ ràng và có nhiều cảnh báo, nếu PVN lại một lần nữa mắc sai lầm khi lựa chọn tổng thầu EPC sẽ khiến dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 thêm sa lầy và chậm tiến độ dẫn đến nguy cơ thiếu điện tại khu vực phía Nam.
Ngọc Đức