Ở Việt Nam, tỷ phú Richard Chandler được biết đến qua 3 thương vụ đầu tư vào Tập đoàn Masan, Tập đoàn FPT và Y khoa Hoàn Mỹ.

 

Tuy lăn lộn ở Việt Nam rất nhiều trong những năm qua, công chúng Việt Nam lại hầu như không biết gì về Richard ngoài một số chi tiết về tiểu sử. Điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên vì ông là con người nổi tiếng là kiệm lời và hầu như không bao giờ xuất hiện trên báo chí.

Thành công vang dội

Với xuất phát điểm là 10 triệu USD tiền mặt nhờ bán các hoạt động kinh doanh do bố mẹ để lại, anh em nhà Richard mở công ty đầu tư Sovereign Global năm 1986. Sovereign sau đó đã thực hiện nhiều thương vụ đầu tư cực kỳ thành công ở Hồng Kông, Đông Âu, Nga, Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc và nâng trị giá tài sản lên mức 2 tỷ USD vào năm 2006 theo Forbes.
 


Cũng trong năm 2006, hai anh em nhà Chandler là Richard và Christopher đã quyết định chia đôi quỹ Sovereign Global. Với số tài sản trị giá khoảng 1 tỷ USD năm 2006, Richard Chandler đã lập nên Richard Chandler Corp. (RCC) và tiếp tục mô hình đầu tư của mình. Hiện nay giá trị tài sản của Richard theo Forbes đã lên tới 2,85 tỷ USD.

Sự thành công có thể nói là kỳ diệu của Richard dựa trên nền tảng gì? Cuộc trò chuyện hiếm hoi của ông với David Lanchner của báo Institutional Investor cho thấy tầm nhìn và các nguyên tắc thành công của nhà tỷ phú này.

Làm người đi đầu

Richard Chandler thường đầu tư vào những giai đoạn đầu của các thị trường mới nổi. Thương vụ của Sovereign Global đầu tư vào Telebrás của Brazil năm 1991 được đánh dấu là một trong những nhà đầu tư quốc tế đầu tiên đến Brazil.
 


Sovereign Global cũng đầu tư vào Cộng hòa Séc vào những năm đầu của thập kỷ 90 ngay sau khi nước này chuyển đổi và trước khi Séc trở thành một điểm đến được nhiều người trong giới đầu tư quốc tế biết. Ở đây, gia đình ông đã bỏ ra một số tiền lớn để tham gia vào CEZ, tập đoàn điện lực độc quyền của nước này.

Ông cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Nga vào năm 1993. Sovereign Global bỏ tiền vào Nga thậm chí còn trước khi thị trường chứng khoán của nước này hình thành (vào năm 1995).

Đầu tư giá trị và dài hạn

Richard Chander là nhà đầu tư giá trị và với tầm nhìn dài hạn, vì thế vượt qua được các thăng giáng bất thường trong ngắn hạn của thị trường.
 


Khi Sovereign đầu tư vào công ty viễn thông độc quyền Telebrás của Brazil năm 1991, Brazil đang trải qua giai đoạn hỗn loạn với chính trị bất ổn định, siêu lạm phát và nhà đầu tư quốc tế bỏ chạy. Cho rằng Telebrás đang được định giá quá thấp, Sovereign Global đã bỏ ra 30 triệu USD mua cổ phần của Telebrás và chấp nhận chịu đựng liên tục 8 tháng sau đó khi thị trường chứng khoán Brazil sụp đổ và mất 50% giá trị. Kết quả là sau 2 năm, tình hình chính trị ổn định lại, thị trường chứng khoán hồi phục, Sovereign đã bán khoản đầu tư này thu về 150 triệu USD (lãi gấp 5 lần).

Cũng với phương pháp trên, Sovereign Global đã đầu tư vào các ngân hàng của Nhật năm 2002 - thời điểm mà thị trường chứng khoán Nhật đang ở điểm thấp nhất trong vòng 20 năm, hệ thống ngân hàng ngập ngụa trong nợ nần, cổ phiếu ngân hàng gần như mất hết giá trị và các nhà tư vấn khuyến cáo lánh càng xa càng tốt lĩnh vực này. Khoản đầu tư lớn nhất của anh em nhà Chandlers ở Nhật là ở Ngân hàng Mizuho. Tính đến 2006, giá trị thị trường của ngân hàng này đã tăng hơn 9 lần, từ mức 10 tỷ USD khi Sovereign Global đầu tư năm 2002 lên đến 91 tỷ USD.

Nhưng “điểm kỳ dị” về lợi nhuận của gia đình Chandler dựa trên phương pháp đầu tư này phải kể đến thương vụ đầu tư vào Ngân hàng Sberbank của Nga năm 2008. Đây là thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu bùng nổ, nhà đầu tư nước ngoài rút chạy và các doanh nghiệp nước này cuống cuồng tìm cách trả các khoản vay nợ ngoại quốc. Thị trường chứng khoán Nga giảm 73% tính theo USD, kèm với vấn đề tắc nghẽn thanh khoản, cuộc khủng hoảng nợ xấu có vẻ như không thể tránh khỏi.

Đúng lúc đó, tin rằng các công ty trọng yếu của nền kinh tế không thể “chết” mà sẽ tồn tại và thịnh vượng trở lại, Richard đã áp dụng phương pháp đầu tư giá trị để chọn Sberbank, định chế tài chính lớn nhất nước Nga và nắm khoảng 50% các khoản tiền gửi của hệ thống với hơn 20.000 chi nhánh. Một lần nữa, Richard đã đúng. Chỉ sau 2 năm, giá trị thị trường của Sberbank đã tăng vọt trở lại từ mức 9 tỷ USD hồi tháng 3/2009 lên hơn 78 tỷ USD tháng 5/2011. Khi ông quyết định bán khoản đầu tư này đi, Richard thu về một khoản lãi “khủng” lên tới hơn 2 tỷ USD.

Hiện nay, Richard chọn Việt Nam làm điểm đến khi lần lượt rót hàng trăm triệu USD vào các doanh nghiệp Masan, FPT, Hoàn Mỹ với tham vọng sẽ giúp các doanh nghiệp này phát triển bùng nổ, thống lĩnh thị trường trong lĩnh vực của họ.
 

Theo Tường Châu
VietNamNet

.