Xuất khẩu năm 2013 của ngành mây tre đan đạt gần 225 triệu USD, tuy nhiên vẫn cần có sự đầu tư hơn nữa để phát huy hết tiềm năng.
 


Điều tra thực địa tại 28 tỉnh trên cả nước, ước tính nguồn tài nguyên song mây tại Việt Nam có tổng diện tích 381.936 ha. Trong đó vùng Bắc Trung Bộ có mây nhiều nhất (201.076ha), sau đó là vùng Nam Trung Bộ với diện tích song mây 180.270 ha. Sản lượng song mây có thể được thu hoạch được trong cả nước ước khoảng 36.510 tấn/năm, trong khi nhu cầu tiêu thụ thực tế khoảng 70.000 tấn/năm, có nghĩa mỗi năm chúng ta đang phải nhập khẩu trên 33.000 tấn mây.

Tre nứa, song mây là những loài cây lâm sản ngoài gỗ có khả năng gây trồng thành vùng nguyên liệu chuyên canh hoặc bảo tồn khai thác bền vững. So với các loài cây gỗ, tre nứa có ưu điểm nổi trội là tốc độ sinh trưởng rất nhanh, trồng sau 3-4 năm có thể khai thác, năng suất cao 4-12 tấn/ha/năm. Luân kỳ khai thác của rừng tre, nứa rất ngắn, từ  2-3 năm.

Với đòi hỏi từ thị trường, từ nay đến năm 2020 và 2030, cơ cấu sản phẩm của ngành chế biến tre nên là 30% cho các sản phẩm truyền thống và 70% sản phẩm thuộc nhóm các sản phẩm mới.

“Các sản phẩm tre ép khối thay thế gỗ trong sản xuất đồ nội thất ngày càng được ưa chuộng, vì có độ bền đẹp không thua gỗ, nhưng giá  bán lại rẻ hơn rất nhiều. Song trên thị trường toàn cầu, các sản phẩm đồ nội thất chế biến từ tre chỉ chiếm 3% trong tổng số 100 tỷ  USD của thị trường đồ nội thất. Việt Nam cần hướng vào dòng sản phẩm mới này. Nếu có chiến lược và cơ cấu sản phẩm hợp lý, chúng ta có  khả năng chiếm được 8-10% thị trường thế  giới, thì ngành chế biến mây tre Việt Nam sẽ  vươn tới 1 tỷ USD trong tương lai”, ông Dũng bày tỏ.

Như vậy, song song với việc phát triển, khoảng trống trong nhu cầu các sản phẩm mây tre đan trên thế  giới vẫn còn khá lớn. Việc tăng cường năng lực doanh nghiệp cho ngành hàng này, tiến tới liên kết tạo thương hiệu mây tre đan Việt Nam để tiến thẳng vào khoảng trống về cầu các sản phẩm mây tre của thế giới.
 

Theo Chinhphu.vn

.