Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn, thực hiện Chương trình số 04/CTr-TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, trong hơn 10 năm qua, cùng với việc thực hiện xây dựng nông thôn mới huyện đã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, có nhiều tiến bộ và đã đạt được những kết quả quan trọng, cơ cấu nội bộ của ngành được chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỉ trọng chăn nuôi thủy sản tăng, giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp tăng, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng - vật nuôi theo hướng tích cực. Đã và đang hình thành được các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng cây ăn quả, vùng chăn nuôi gà, vùng chăn nuôi thủy sản,... Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất được coi trọng đã góp phần tích cực thúc đẩy các hoạt động sản xuất ở khu vực nông thôn.
Nhờ vậy, đời sống của bà con nông dân đã từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng; tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm; 100% các trạm y tế xã có Bác sĩ. Tỉ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo cũng được tăng lên.
Đặc biệt, trong sản xuất huyện đã khuyến khích đưa máy móc vào phục vụ để từng bước cơ giới hóa trong các khâu hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đồng thời hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, giảm thời gian làm đất, gieo trồng, thu hoạch, giảm áp lực thời vụ, giải phóng sức lao động chuyển qua làm các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp khác, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đến nay, trên địa bàn Quốc Oai, cơ giới hóa trong sản xuất lúa, gieo trồng rau, củ quả đạt 100 % trong khâu làm đất, 100% sử dụng máy móc khâu thu hoạch lúa, 20% sử dụng máy móc thu hoạch các sản phẩm rau củ quả, thức ăn chăn nuôi được sử dụng đảm bảo đạt sản lượng trong khâu thu hoạch.
Riêng với cây ăn quả, hiện diện tích cây ăn quả toàn huyện hiện có 1.210 ha trồng tập trung. Tổ chức trồng mới được 10 ha trong vụ Xuân 2022. Cơ cấu các loại cây ăn quả có sự chuyển dịch theo hướng chuyên canh, tăng nhanh diện tích cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như Ổi Đài Loan, Bưởi Diễn, Táo... Giá trị thu nhập trung bình của các khu trồng cây ăn quả đều đạt 250-300 triệu đồng/ha. Trong đó, diện tích trồng bưởi là 440 ha. Diện tích Ổi Đài Loan 125 ha.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 88 hợp tác xã hoạt động sản xuất kinh doanh với những khâu dịch vụ cơ bản phục vụ sản xuất nông nghiệp cho toàn bộ thành viên như: dịch vụ làm đất, điều tiết nước, bảo vệ đồng ruộng, dự thính, dự báo, khuyến nông theo đúng thời vụ, dịch vụ cung ứng rau củ quả và sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Các HTX nông nghiệp hoạt động có sự chuyển biến tích cực trong phương thức tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo toàn nguồn vốn, tài sản cũng như trình độ quản lý của cán bộ hợp tác xã ngày được nâng cao, việc ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
|
|
Ông Nguyễn Đình Hải, Giám đốc HTX thôn Ba Nhà |
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Đình Hải, Giám đốc HTX Ba Nhà, xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai cho biết: Trên địa bàn thôn Ba Nhà hiện có 33,3 ha trồng bưởi Diễn, tháng 2 năm 2022 HTX triển khai 5ha mô hình trồng bưởi Diễn theo mô hình VietGAP.
Tại thôn Ba Nhà, nghề trồng bưởi Diễn đã có từ rất lâu, có hơn 90% người dân làm nghề trồng bưởi, trung bình một năm cho thu nhập 20-50 triệu đồng/1 sào.
Để nâng cao chất lượng bưởi Diễn, đặc biệt, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông TP. Hà Nội, phòng Kinh tế huyện… hỗ trợ về công tác đào tạo kỹ thuật, tổ chức tập huấn, hỗ trợ phân bón… nên từ tháng 2/2022, HTX đã tham gia triển khai mô hình trồng bưởi theo hướng VietGAP, với diện tích 5ha.
Chương trình thu hút đông đảo bà con trong thôn tham gia. Phát triển theo mô hình này sẽ bảo đảm được yêu cầu ngày càng cao của thị trường và nguồn hàng tiêu chuẩn, bảo đảm an toàn thực phẩm, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường.
Ngoài diện tích bưởi trồng độc canh, còn có diện tích của một số hộ xã viên hoặc người dân trồng xen canh bưởi và ổi Đài Loan (khi bưởi còn nhỏ) để nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị sản xuất. Thu nhập bình quân của mô hình này đạt bình quân 20 triệu/sào/năm.
Qua kết quả thực tế cho thấy, việc trồng bưởi Diễn và trồng ổi cho thu nhập cao hơn 4-5 lần so với trồng lúa.
|
|
Ông Hoàng Đình Thận là một thành viên giỏi của HTX thôn Ba Nhà |
Ông Hoàng Đình Thận, đội 1, thôn Ba Nhà, xã Yên Sơn cho biết: Gia đình ông đã trồng bưởi Diễn được 30 năm nay. Giống bưởi Diễn được lấy từ Bắc Từ Liêm mang về trồng. Hiện gia đình ông có hơn 1 mẫu, với khoảng 200 gốc bưởi. Trung bình cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Tất cả diện tích hiện tại này của gia đình ông đều tham gia vào mô hình VietGAP, hiện đang thực hiện mô hình cuối năm sẽ nghiệm thu.
Ông Thận nổi tiếng là một lão nông rất giỏi làm kỹ thuật trong chăm sóc bưởi Diễn, nhờ vậy mà mỗi năm vườn bưởi của ông cho thu khoảng 7,8 vạn quả. “Tôi đã làm vườn nào là phải sai quả vườn đó. Trong đó người trồng bưởi phải chú ý đến thời vụ, đây là yếu tố rất quan trọng để nắm bắt sự phát triển, ra hoa, đậu quả của cây bưởi. Thứ hai là kỹ thuật bón phân, tưới tiêu và tỉa cành, thực hiện bẫy ruồi vàng để chống làm hư hại đến chất lượng quả… Những yếu tố này không làm được tốt và đúng quy trình thì coi như không hoàn thành việc trồng, chăm sóc bưởi Diễn.”- ông Thận chia sẻ.
Được biết, ngoài mô hình bưởi Diễn và xen canh trồng bưởi Diễn với ổi Đài Loan, trong thời gian tới, xã Yên Sơn sẽ tập trung phát triển mô hình Đông trùng hạ thảo và nấm linh chi. Đây là mô hình trồng dược liệu qúy, theo quy trình khép kín, mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó sẽ góp phần giúp nâng cao đời sống, tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân trên địa bàn.
Với những kết quả đạt được, trong thời gian tới, theo Phó Chủ tịch huyện Phạm Quang Tuấn, huyện Quốc Oai sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng phương án chuyển đổi mô hình sản xuất những vùng đất trũng thấp, gò cao khó canh tác, sản xuất lúa kém hiệu quả sang phát triển kinh tế trang trại, trồng cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản.
Đồng thời triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa đã được phê duyệt, các chương trình khuyến nông, phát triển nông nghiệp theo chuỗi hàng hóa, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh việc cấp mã QR code và tem nhận diện sản phẩm nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp, sản xuất hàng hoá giá trị cao.