Mỹ Đức (Đạ Tẻh) được chia tách từ xã Hà Đông năm 1986, đến nay xã có 8 thôn, trong đó 7 thôn là dân kinh tế mới, 1 thôn là đồng bào DTTS bản địa Mạ, K’Ho, Chu Ru sinh sống.

 

 

Ông Nguyễn Ngọc Thư - Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức cho biết, tổng diện tích đất sản xuất của xã trên 1.200ha, với 3 cây trồng truyền thống từ trước đến nay là điều, lúa, cao su, trong đó diện tích lớn nhất là cây cao su tiểu điền của người dân và cao su tập trung của công ty cao su Đạ Tẻh. Riêng đối với cây điều và lúa, nhiều diện tích cây điều trồng những năm trước đây đều là giống cũ, cho năng suất thấp, cây lúa cũng rơi vào tình trạng năng suất thấp do nhiều diện tích ở khu vực thường xuyên thiếu nước. Từ thực tế đó, Đảng ủy - UBND xã có chủ trương: Tiếp tục duy trì diện tích cao su để chờ giá, chờ thị trường thuận lợi. Riêng đối với cây điều và cây lúa, ngoài việc tiến hành cải tạo vườn điều theo hướng tỉa cành, nâng cấp vườn cây, thay giống cũ bằng giống mới lai ghép và chỉ duy trì diện tích hai loại cây này ở những địa bàn phù hợp, diện tích còn lại chuyển sang mô hình trồng dâu nuôi tằm. Thực hiện chủ trương đó, bắt đầu từ năm 2010, cán bộ chính quyền, đoàn thể từ xã đến thôn tiến hành tuyên truyền, vận động người dân địa phương mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cùng với đó, xã đề nghị và nhận được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp huyện trong việc cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng mới, chăm sóc vườn dâu, nong kén… Với quyết tâm của cấp ủy - UBND xã và cách làm đồng bộ, thiết thực đó, nên dù vào thời điểm ấy ngành dâu tằm đang lâm vào tình cảnh phá sản, giá kén “lao dốc” (15.000 đồng/kg), không ổn định, nhưng nhiều hộ dân vẫn mạnh dạn thay thế những diện tích điều, lúa cho hiệu quả kinh tế kém sang cây dâu.



Một trong những hộ gia đình “chung thủy” trước sau như một và đi đầu trong nghề trồng dâu nuôi tằm của xã, nay đã trở thành “tỷ phú” và nhà “phân phối” giống dâu “tam bội” (3 vụ bội thu) ở xã Mỹ Đức là hộ ông Nguyễn Xuân Bao, thôn 4. Ông Bao cho biết, gia đình ông làm nghề trồng dâu nuôi tằm từ những năm 2005, khi ngành dâu tằm lâm vào tình cảnh “thoái trào”, ông vẫn không nản chí, bởi nghề trồng dâu, nuôi tằm tuy như “nuôi con mọn”, nhưng bù lại có nhiều cái lợi: Không phải dãi nắng dầm mưa như thâm canh cây lúa; tận dụng được mọi quỹ đất trên đồi, trên rẫy, ven sông, ven suối và tận dụng được lao động nhàn rỗi của mọi người từ trẻ em, đến người già… Nhờ kiên trì với nghề, nên đến nay, với giá kén được khôi phục từ 80.000 - 100.000 đồng/kg, ngoài việc mỗi năm cho thu nhập trên 170 triệu đồng (mỗi tháng nuôi 3 hộp, mỗi hộp cho thu nhập bình quân trên dưới 5 triệu đồng/tháng), gia đình ông còn cung cấp hàng trăm hom dâu giống cho hàng trăm hộ trồng dâu, nuôi tằm. Ngoài ra, ông còn là người “sẵn sàng” chia sẻ kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm cho mọi người dân quanh vùng. Để có được “thành tựu” như hôm nay, ngoài việc kiên trì cùng nghề, tôi còn được chính quyền địa phương và các ngành chức năng của huyện hỗ trợ giống dâu tằm Việt Nam lai ghép (tam bội), chuyển giao kỹ thuật thị trường tiêu thụ”, ông cho biết. Dù không phải là hộ điển hình của nghề trồng dâu nuôi tằm ở Mỹ Đức, nhưng hộ các ông bà Thắng - Phong, Nguyễn Văn Giang ở thôn 4 cũng giàu lên nhờ nghề trồng dâu nuôi tằm; hộ ông bà Thắng - Phong nhờ có thu nhập từ nghề trồng dâu nuôi tằm đã đầu tư trên dưới 800 triệu đồng, xây dựng ngôi biệt thự được xem là “nhất nhì” trong thôn.



Do hiệu quả mang lại từ nghề trồng dâu nuôi tằm khá cao, nhiều hộ dân chuyển đổi cây trồng, tại xã Mỹ Đức đã hình thành Tổ hợp tác (THT) trồng dâu nuôi tằm. Việc hình thành THT có lợi cho người trồng dâu nuôi tằm là làm đối trọng với tư thương và lâu dài là cầu nối với các nhà máy ươm tơ ở Bảo Lộc.



Theo Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức Nguyễn Ngọc Thư, định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế lâu dài của địa phương vẫn chọn cây dâu con tằm làm “mũi nhọn”. Riêng trong năm 2016 sẽ phát triển mới thêm 20ha dâu, đưa diện tích dâu cả xã lên 109ha, đồng thời tiến hành củng cố, mở rộng quy mô của THT dâu tằm, nhằm đảm bảo được chức năng, nhiệm vụ của THT là dịch vụ nông nghiệp từ khâu cung cấp giống dâu, tằm, kỹ thuật trồng trọt, thâm canh, chăm sóc cây dâu, con tằm, đến cầu nối giữa người dân với các nhà máy ươm tơ, mở rộng thị trường tiêu thụ và kêu gọi đầu tư… Mặt khác, quyết tâm của xã là đưa nghề trồng dâu nuôi tằm vào thôn 8 - thôn đồng bào DTTS của xã, để bà con nơi đây thực sự có nghề “mưu sinh” vững chắc, không còn “bám víu” vào rừng, nhằm đưa tỷ lệ hộ nghèo trong thôn khoảng 20% như hiện nay xuống dưới 12%, góp phần hạ thấp tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống dưới 3% vào năm 2016.

 

Theo Báo Lâm Đồng

.