Một doanh nghiệp thắng kiện Thanh tra Bộ Tài chính
Cập nhật lúc 13:18, Thứ tư, 12/03/2014 (GMT+7)
Chánh Thanh tra Bộ Tài chính đã trao cho Đoàn thanh tra một quyền lực vô biên và một công ty cổ phần đã trở thành nạn nhân của quyền lực đó. Báo Bảo vệ Pháp luật điện tử, Cơ quan của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Chánh Thanh tra Bộ Tài chính đã trao cho Đoàn thanh tra một quyền lực vô biên và một công ty cổ phần đã trở thành nạn nhân của quyền lực đó.
|
Ảnh minh họa |
Chuyện lạ đời “con kiến thắng kiện củ khoai” vừa mới xảy ra hôm qua 11/3 tại TAND TP.HCM khi một doanh nghiệp thắng kiện Cục Thuế TP.HCM và Thanh tra Bộ Tài chính.
Bằng một quyết định thiếu rõ ràng, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính đã trao cho Đoàn thanh tra một quyền lực vô biên và một công ty cổ phần đã trở thành nạn nhân của quyền lực đó, coi như một sự “run rủi” giữa hằng hà sa số “ứng viên” khác có thể bị chọn bất kỳ. Nhưng điều đặc biệt là doanh nghiệp đã không chịu “đầu hàng”.
Ngày 2/10/2012, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Nguyễn Kim Liên ký Quyết định số 106/QĐ-TTr thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý thu, nộp ngân sách nhà nước của Cục Thuế TP.HCM và các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Thời gian thanh tra từ năm 2011 đến 9 tháng đầu năm 2012 và các thời kỳ khác có liên quan. Đoàn thanh tra do Phó Chánh thanh tra Đặng Ngọc Tuyến làm Trưởng đoàn cùng 17 thành viên khác của Thanh tra Bộ Tài chính.
Nhớ lại cuộc “ra quân” rầm rộ này, một chuyên gia tài chính (xin giấu tên) bình luận: “Với nội dung của Quyết định 106 thì có hai đối tượng bị thanh tra: thứ nhất là Cục Thuế TP.HCM, thứ hai là các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân. Chính vì nhóm đối tượng thứ hai này quá rộng lớn, ở TP. HCM có thể lên đến hàng triệu và thời kỳ thanh tra thì không có giới hạn nên Quyết định 106 đã vô tình tạo cho Đoàn Thanh tra một quyền lực vô biên”.
Công ty Cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận (tên giao dịch là Maseco) trở thành nạn nhân của thứ quyết định hành chính không rõ ràng này, coi như một sự “run rủi” giữa hằng hà sa số “ứng viên” khác có thể bị chọn bất kỳ. Nói Maseco là nạn nhân vì doanh nghiệp đã cổ phần hóa này vốn là đơn vị kinh doanh có hiệu quả và là “lá cờ đầu” trong công tác nộp ngân sách tại TP.HCM. Minh chứng là liên tục các năm 2010-2013, Maseco đều được ngành Thuế và UBND TP khen thưởng, tặng cờ thi đua xuất sắc.
Trong khi thanh tra Cục Thuế TP.HCM, Đoàn thanh tra của Bộ Tài chính phát hiện Maseco “khai sai” thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian từ năm 2011 đến 9 tháng đầu năm 2012 với số tiền hàng tỷ đồng. Lập tức, giám đốc và kế toán trưởng bị mời lên làm việc. Làm việc với ai? - Phát hành giấy mời là Cục Thuế TP.HCM nhưng trực tiếp Phó trưởng Đoàn thanh tra “tiếp đón”! Và cho đến bây giờ nhớ lại, các “đương sự” vẫn chưa hết ngao ngán về một trải nghiệm rã rời với “căn bệnh hành là chính”.
Đoàn thanh tra cáo buộc Maseco trốn thuế hơn 7,1 tỷ đồng. Họ cho rằng trong thời gian từ 2009-2011, doanh nghiệp phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất là 25% chứ không phải 20% như đã nộp vào Cục Thuế TP.HCM vì đã hết thời hạn ưu đãi đầu tư theo giấy phép. Sau triền miên những buổi làm việc là một “biên bản kiểm tra” (ngày 3/12/2012) “kiến nghị” Maseco nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ Tài chính số tiền 7.172.516.697 đồng.
Lưu ý rằng, cho đến thời điểm đó, Maseco hoàn toàn không có tên trong Quyết định thanh tra của Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, Maseco cũng chưa hề nhận được quyết định thanh tra tài chính của Cục Thuế TP.HCM hay của Chánh Thanh tra Bộ Tài chính. Thế nhưng, từ cái gọi là “biên bản kiểm tra” nêu trên, ngày 11/12/2012 Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Nguyễn Kim Liên vẫn ra Quyết định 150/QĐ-TTr buộc Maseco phải nộp số tiền nói trên vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ. Quyết định này còn “dọa” sau 20/12/2012 nếu doanh nghiệp không nộp sẽ “xử lý nghiêm theo luật định”.
Trước những mệnh lệnh hành chính của Thanh tra Bộ Tài chính, Maseco chấp hành theo luật định: làm đơn khiếu nại lần đầu; tạm nộp tiền truy thu theo Quyết định 150; sau khi bị Chánh Thanh tra Bộ Tài chính bác đơn khiếu nại thì tiến hành khởi kiện ra Tòa án nhân dân TP.HCM.
Bình luận với phóng viên Pháp luật Việt Nam trước khi phiên tòa được mở, một luật gia thuộc Hội Luật gia TP.HCM nhận xét: “Bằng Quyết định 106 với câu chữ không rõ ràng, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính đã trao cho Đoàn thanh tra quyền được “hỏi thăm” bất cứ đối tượng nào và “sục” vào bất cứ thời kỳ nào trong đời sống “đương sự”. Chính vì vậy mà Đoàn thanh tra vin vào Quyết định 106 để lộng quyền và thực hiện thanh tra đối với doanh nghiệp sai qui trình: không có quyết định thanh tra; không tống đạt quyết định thanh tra cho đối tượng bị thanh tra; không có kết luận thanh tra; quyết định xử phạt chỉ dựa vào biên bản làm việc, biên bản kiểm tra. Tôi tin rằng doanh nghiệp chắc chắn sẽ đòi được công lý”.
Theo Baophapluat.vn