Trực ngày Tết, tiền công được trả gấp đôi, ba ngày thường, do đó nhiều nhân viên sẵn sàng nhận luôn phần trực những người có quê xa.   
 


Chị Phương, nhân viên trực tổng đài một hãng taxi cho biết, nghề trực tổng đài, lương bình quân những ngày lễ tết gấp 3 lần ngày thường, chưa kể phụ cấp và thưởng nếu doanh số tốt vì đây là thời điểm khách gọi taxi đông nhất trong năm. Do đó, tuy là phụ nữ, vướng bận nhiều công việc nội trợ nhưng chị vẫn đăng ký làm 3 ca vào ngày mùng 1 và mùng 3, 4 Tết. Bên cạnh đó, chị còn trực thay một nhân viên khác vào ngày mùng 2. Chị Phương cũng cho biết, nhiều nhân viên trong công ty chưa có gia đình còn đăng ký trực đêm để được hưởng tiền công cao hơn.

"Bình thường lương của mình chỉ được 4 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu làm mấy ngày Tết có thể được một nửa tháng lương. Việc đi chúc Tết mình vẫn tranh thủ thu xếp ngoài giờ trực vì mỗi ca chỉ kéo dài khoảng nửa ngày", chị Phương cho hay.

Nhân viên này cũng cho biết, nhiều lái xe của hãng cũng sẵn sàng không nghỉ Tết vì tỷ lệ phần trăm được trích tăng lên. "Hãng vẫn tạo điều kiện sắp xếp cho nhân viên nghỉ Tết, đặc biệt những người quê xa. Tuy nhiên, lãnh đạo lại đưa ra những cơ chế để khuyến khích người lao động", chị Phương nói.

Là bảo vệ một doanh nghiệp Nhà nước lớn có trụ sở tại Từ Liêm, anh Xuân năm nay cũng đăng ký trực Tết đến 3 trong tổng số 9 ngày nghỉ. Nhóm bảo vệ có hơn 10 người thì đa số quê ở xa, muốn được nghỉ dài nên anh Xuân xung phong trực thay 2 ngày.

"Trực ngày Tết tiền công được gấp 2 lần ngày thường, lại thêm phụ cấp, tiền lì xì của lãnh đạo, tính ra cũng được tiền triệu chứ không ít. Thôi thì chịu khó thu xếp để vừa có thời gian quây quần bên gia đình ngày Tết, vừa kiếm thêm được chút tiền để trang trải", anh Xuân cho hay.

Ngày Tết là dịp sum họp cùng gia đình, người thân. Tuy nhiên, nghề nào cũng có những đặc thù nhất định. "Hơn nữa, cũng vì miếng cơm manh áo mà phải có những toan tính đó chứ ai cũng mong có cái Tết đủ đầy, đầm ấm với gia đình", chị Phương ngậm ngùi.  
 

Theo vnexpress

.