Sau hơn 4 năm xây dựng và phát triển (từ năm 2008), cuối cùng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa đạt tiêu chuẩn quốc tế Global Gap giữa nông dân Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Mỹ Thành (xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) và Công ty TNHH ADC đã chính thức tan rã.
 

Ông Lê Văn Chữ bên 2 héc ta lúa sản xuất giống IR 50404 của mình - Ảnh: Trung Chánh
Ông Lê Văn Chữ bên 2 héc ta lúa sản xuất giống IR 50404 của mình - Ảnh: Trung Chánh


Lý giải nguyên nhân tan rã được ADC cho biết do đầu ra của sản phẩm gạo Global Gap gặp khó, cho nên ADC mới quyết định tạm dừng mô hình này.

Theo ông Nguyễn Văn Mười, Giám đốc Dự án phát triển ngành lúa giống và chế biến gạo theo tiêu chuẩn Global Gap của ADC, qua khảo sát thực tế tại TP.HCM về sự quan tâm của người tiêu dùng đối với sản phẩm gạo đạt chứng nhận Global Gap và không đạt chứng nhận này, cho thấy người tiêu dùng chấp nhận bỏ ít tiền hơn để mua gạo không có chứng nhận Gloabal Gap, chứ không muốn bỏ nhiều tiền để mua gạo Global Gap (gạo cùng phẩm cấp).

“Từ trước giờ, không có ai nói ăn gao không Gap là chết, chỉ có nói ăn thức ăn, thịt bẩn thì chết, ăn rau không an toàn thì bị ngộ độc thôi. Chính quan niệm đó, nên gạo Gap của chúng tôi sau một thời gian tung ra thị trường đã gặp thất bại”, ông Hùng của ADC cho biết.

Về hoạt động sản xuất của bà con nông dân, sau khi tạm dừng liên kết, tiêu thụ lúa, bà con xã viên đã quay trở lại với phương thức sản xuất truyền thống, vốn có xưa nay.

Ông Lê Văn Chữ, Tổ trưởng giám sát HTX nông nghiệp Mỹ Thành cho biết: “Trước đây, tham gia mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn Global Gap thì những hộ liền kề với nhau sẽ sản xuất cùng một loại giống được Công ty ADC đưa xuống, thực hiện cùng một quy trình kỹ thuật, có ghi chép nhật ký sản xuất… Còn bây giờ, không liên kết nữa, ai thích giống gì làm giống ấy, thích bón phân phun thuốc kiểu nào thì tùy mỗi người”.

Theo thống kê của HTX nông nghiệp Mỹ Thành, trong tổng số 95,6 héc ta diện tích đất của trên 100 bà con xã viên HTX, thì hiện có đến 90% diện tích được chuyển sang trồng lúa chất lượng thấp (IR 50404).
Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giữa bà con nông dân HTX nông nghiệp Mỹ Thành và Công ty TNHH ADC được thành lập năm 2008 với trên 100 xã viên, canh tác trên diện tích 95,6 héc ta. Đến năm 2009, lần đầu tiên HTX được trao giấy chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt, tiêu chuẩn quốc tế Global Gap và cũng là mô hình đầu tiên của Việt Nam đạt chứng nhận này.



Theo Trung Chánh
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online