Lo thiếu lao động sau tết
Cập nhật lúc 23:48, Thứ sáu, 13/02/2015 (GMT+7)
Nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng xuất khẩu hiện đang khá lo lắng về tiến độ giao hàng của quý I, bởi sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán, lao động thường bị xáo trộn, gây khó khăn trong sản xuất và đáp ứng đơn hàng. Những lĩnh vực công nhân thường dễ "nhảy" việc là: chế biến gỗ, giày da, đan lát. (lao động, người lao động, nhân sự)
Nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng xuất khẩu hiện đang khá lo lắng về tiến độ giao hàng của quý I, bởi sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán, lao động thường bị xáo trộn, gây khó khăn trong sản xuất và đáp ứng đơn hàng. Những lĩnh vực công nhân thường dễ “nhảy” việc là: chế biến gỗ, giày da, đan lát.
Trong khi các công ty lớn phải tổ chức đưa đón công nhân về quê ăn tết để giảm thiểu sự biến động lao động thì ở những DN vừa và nhỏ, đây là việc không mấy dễ dàng.
Đơn hàng lớn áp lực nhiều
Ông Nguyễn Tiến Lực, Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH Hà Thịnh (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa), chuyên sản xuất hàng đan lát xuất khẩu, cho biết công ty rất “ngán” thời điểm nghỉ tết do công nhân nghỉ kéo dài, đơn hàng chậm trễ và lượng công nhân sau tết thường trồi sụt. Ông Lực chia sẻ: “Công nhân của công ty phần lớn ở các tỉnh miền Tây, nhiều công nhân sau mùng 10 tết mới quay lại làm việc, trong khi công ty bắt tay vào sản xuất ngay từ mùng 6 tết”. Theo ông Lực, đầu năm đơn hàng càng lớn thì áp lực giao hàng càng nhiều. Năm nay, Công ty TNHH Hà Thịnh đã có hợp đồng xuất hàng đến giữa tháng 4.
Công ty chế biến gỗ Quyết Thành (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) cũng có chung nỗi lo này. Sau tết, không chỉ nhiều công nhân quay lại làm việc trễ làm ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, mà nhiều công nhân còn nghỉ việc gây rất nhiều khó khăn cho DN trong việc tổ chức sản xuất. Gần như trở thành thông lệ, mà nhiều năm nay ăn tết xong bộ phận nhân sự của Công ty chế biến gỗ Quyết Thành lại phải đăng tuyển dụng lao động để bù cho số lao động đã nghỉ việc, bởi đây là mùa cao điểm sản xuất để kịp giao hàng quý I. Nếu trung bình mỗi tháng công ty xuất khoảng 4 container hàng, thì ở những tháng đầu năm, lượng hàng xuất khoảng 6 container. Chính vì vậy, áp lực cho sản xuất đầu năm là khá lớn.
Ông Vương Hoàng Lâm, Giám đốc Công ty cổ phần Vương Nhật Linh (may xuất khẩu ở phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa), cho rằng mấy năm gần đây khi kinh tế phục hồi, nguồn lao động phổ thông cũng hút hơn, nếu chính sách của các DN không tốt sẽ khó có thể giữ chân được công nhân.
Hụt lao động
Số liệu của Sở Lao động - thương binh và xã hội cho thấy, trong năm 2015 nhu cầu tuyển dụng của các DN trong tỉnh là khoảng 40 ngàn lao động. Số lao động đến làm việc tại các DN trong tỉnh hiện nay phần lớn là lao động nhập cư, vì vậy việc biến động lao động ở các công ty sau tết thường xảy ra. Tuyển dụng lao động với số lượng nhiều ở những công ty lớn, như: Công ty Hwaseung Vina (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1) cần 1 ngàn công nhân, Tổng công ty may Đồng Nai cần tới 2 ngàn công nhân... cho thấy nhu cầu lao động đang khá hút.
Theo anh Lê Khắc Khang, trợ lý Tổng giám đốc Công ty chế biến gỗ F.J Wood (huyện Trảng Bom), để đáp ứng việc giao hàng vào dịp đầu năm, khi DN ký xong các hợp đồng thường phải cho công nhân tăng ca rất nhiều vào dịp trước Tết Nguyên đán để bù vào thời gian nghỉ của công nhân sau tết. “Tăng ca nhiều khiến chủ DN rất “ngán” vì kéo theo tăng chi phí, nhưng trong những trường hợp để đối phó cho kịp hàng giao thì vẫn phải chấp nhận” - anh Khang nói. Phương án này cũng được áp dụng ở nhiều DN sản xuất để đảm bảo đơn hàng không bị giao trễ.
Theo Báo Đồng Nai
.