Ông Lê Công Tiềm (Bắc Ninh) đã nguyện bỏ quê lên núi trồng rừng và mơ đến một ngày sẽ đem cây ba kích tím trồng khắp cả miền Bắc. Cây này được người dân ví là "biệt dược phòng the".
Bỏ miền xuôi lên rừng
Gần 2 tiếng đồng hồ vượt các cung đường ngoằn ngoèo trên lưng núi, dốc thăm thẳm, chúng tôi tìm đến trang trại của ông Lê Công Tiềm ở thôn Đồng Thầm, xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh. Trong một ngôi lán nhỏ, lọt thỏm giữa núi rừng mênh mông, ông Tiềm đang chuẩn bị tư trang để đi rừng. Biết chúng tôi có nhu cầu viết về mô hình trồng loại cây mà người dân địa phương gọi là sâm quý của đất Quảng Ninh - cây ba kích tím, ông đã hồ hởi đưa phóng viên đi thăm nơi trồng và khu trang trại mênh mông bát ngát của mình.
|
Ông Tiềm đã đầu tư mấy chục tỷ đồng để trồng cây ba kích tím. |
Sinh ra và lớn lên ở quê hương Kinh Bắc nhưng ông lại quyết định rời xa miền xuôi tìm về rừng núi để làm trang trại. Đầu những năm 2000, ông đã vay mượn anh em, họ hàng một khoản tiền lớn rồi xách ba lô lên rừng để thực hiện ước muốn của mình. Ông đã thuê cả khu đồi rộng 1.200 ha trong vòng 50 năm để đầu tư trồng rừng. Với ý tưởng ban đầu là trồng keo để bán, ông đã thuê máy ủi, máy xúc đào đường đến từng khu vực trồng cây, chăn nuôi, thả cá trên diện tích đã thuê. Ông Tiềm cho biết, những khu rừng ông trồng trọt và chăn nuôi đều có đường giao thông, xe máy và ô tô có thể đến tận nơi. Đường trong trang trại chủ yếu là đường đất, được gia đình ông tự thiết kế, thực hiện "thi công", kéo dài hàng trăm km.
Với số vốn ban đầu có được từ ngày rời quê lên núi lập nghiệp, ông đã đầu tư để trồng cây keo. Ông thuê hàng trăm người dân địa phương làm nhân công, vào rừng để trồng trọt và chăn nuôi với lương mỗi tháng khoảng 3 - 3,5 triệu đồng. Cây keo là cây lâu năm mới cho khai thác gỗ nên số vốn ông vay mượn cũng dần dần cạn kiệt. Để tiếp tục đầu tư, ông tính nước "lấy ngắn nuôi dài", đầu tư mua giống gà Hồ ở Bắc Ninh về nuôi. Rồi ông cho đào ao thả cá, vụ nào thức ấy, mảnh đất bằng phẳng thì vun luống trồng khoai, những mỏm đồi chênh vênh thì tra hạt ngô, hột lạc... Với sự tính toán tỷ mỷ trong các khâu nuôi, trồng, xen canh tăng vụ, những sản phẩm phụ ấy đã góp phần giúp ông có được số vốn tiếp theo để quay vòng, đầu tư cho chiến lược dài hạn.
Bao đêm ông Tiềm trằn trọc nghĩ đến việc trồng cây gì và nuôi con gì để có lãi. Người nông dân ấy đã lang thang khắp các miền để học hỏi cách làm của những trang trại khác; lê la tại các viện nghiên cứu, phòng lâm nghiệp, các cơ sở giống để học cách làm kinh tế. Nhưng đi đến đâu, ông cũng chỉ thấy mô hình nuôi trồng các loại con giống, cây trồng quen thuộc, ông không hứng thú lắm. Một lần, tình cờ thấy người dân đào cây ba kích đi bán cho thương lái với giá rất cao, ông mới chợt nảy ra ý tưởng phát triển kinh tế bằng loại cây này trên chính mảnh đất được coi là "vựa ba kích" của vùng Đông Bắc. Được biết, ba kích là một dạng thuộc họ cà phê, mọc rất nhiều ở vùng đất Quảng Ninh, đặc biệt là vùng đất Ba Chẽ. Khi đem cây giống đến viện Nghiên cứu Di truyền để tìm hiểu, ông đã rất vui mừng khi biết rằng, loại cây này còn có thể nhân giống thành công. Tiếp theo đó, ông đã đem mẫu đất đi phân tích thì thu được kết quả khả quan, mẫu đất rất phù hợp với giống cây ba kích tím. Vậy là cây ba kích tím có thể trồng được trên chính mảnh đất mà ông đã thuê.
|
Ông Lê Công Tiềm - lão nông bỏ ruộng lên rừng. |
Và khát vọng “Ai cũng khỏe”
Ba kích tím được coi là "biệt dược phòng the"
Ông Tiềm cho hay: Cây ba kích còn gọi khác là ba kích thiên, cây ruột gà, chẩu phóng xì, ba kích nhục... Trong đó, quý nhất vẫn là củ ba kích tím. Củ ba kích tím có vị cay ngọt, tính ôn nên sẽ có lợi cho bổ thận, tráng dương, mạnh gân cốt, khử phong thấp, bổ trí não. Người ta sắc lấy nước từ củ ba kích để uống sẽ giúp tăng sự co bóp của ruột, giảm huyết áp, chữa dương ủy, phong thấp cước khí, gân cốt yếu, mềm, lưng yếu mỏi đau. Người dân địa phương cho rằng, củ ba kích là một loại sâm thuộc dạng "biệt dược phòng the". Người ta thường dùng trị các triệu chứng như liệt dương, xuất tinh sớm, di mộng tinh, phụ nữ kinh nguyệt không đều.
|
Ông là người nông dân dám nghĩ dám làm. Nghĩ rằng, đây sẽ là hướng đi mới và đầy tiềm năng, ông Tiềm lại vay vốn ngân hàng, vay thêm tiền anh em, bạn bè để đầu tư trồng cây ba kích tím. Đầu năm 2012, ông tiếp tục "đổ" tiền tỷ vào mô hình trồng loại sâm này. Cây ba kích thuộc họ cà phê và ưa bóng cây rừng, ông đã cho trồng xen canh với cây keo và các loại cây rừng tự nhiên. Để giữ được đặc tính và vị thuốc vốn có của ba kích tím, người trồng cần phải làm rất kỹ ở các khâu. Giai đoạn chuẩn bị giống được coi là khó khăn và tỷ mẩn nhất. Mầm giống phải được ủ trong nhà kính để tránh gió. Sau khi mầm đã đủ cứng cáp, mới cấy vào bầu đất đã làm sẵn và bảo quản, chăm sóc trong hệ thống nhà lưới để tránh sự xâm hại của những loại côn trùng. Tiếp theo là khâu chuẩn bị đất. Hố trồng cây này đào càng sâu càng tốt, trung bình khoảng 30 - 50 phân, mỗi hố trồng cần bón lót khoảng 3 - 4kg phân chuồng đã hoai mục và 1gram phân lân ủ trước đó một tháng. Khi trồng, người nông dân phải trộn và lấp đất qua phân để cho rễ của cây ba kích không tiếp xúc trực tiếp với phân lân, nếu không cây sẽ bị nhiễm mặn và phát triển chậm. Trong quá trình chăm sóc, tuỳ từng thời kỳ, người trồng dùng phân lân, NPK bón hai lần/năm. Quá trình chăm sóc, người chủ phải làm sạch cỏ và bắt sâu bọ cho cây. Khi cây ba kích đã ra dây dài khoảng 30 - 50cm, phải làm giàn cho dây leo lên để thuận lợi cho quá trình quang hợp, giúp cây phát triển thuận lợi.
Ông Tiềm cho biết: "Nếu trồng đúng kỹ thuật thì cây ba kích sẽ cho năng suất rất lớn. Sau khoảng một năm trồng, ông đã đào một vài cây lên, xem thử thì thấy chúng đã cho ra 3 - 5 củ, có cây ra hàng chục củ, độ dài khoảng 20 - 30cm. Ba kích tím tươi được bán với giá 300.000 đồng/kg, phơi khô bán với giá 1,6 triệu đồng/kg. Theo tính toán ban đầu, mỗi khóm ba kích trồng có thể cho thu hoạch hàng chục kg củ, trong khi mỗi ha đầu tư khoảng 300 triệu đồng và sau khoảng 3 - 4 năm thì thu hoạch được. Ước tính, nếu cây ba kích sinh trưởng thuận lợi thì vài năm nữa, ông thu được lãi lớn”.
Ông Tiềm hào hứng kể ước mơ về cây ba kích tím: "Đã có rất nhiều đoàn đến nghiên cứu và học hỏi mô hình trồng cây ba kích tím của tôi. Trong số đó, đã có nhiều người làm theo và ban đầu đạt kết quả rất tốt. Hiện tại, tôi đã đầu tư khoảng 50 tỷ đồng vào dự án này. Dự tính, trong năm 2013, gia đình tôi trồng hết 50ha. Năm 2014, ba kích tím sẽ phủ kín 100ha của khu vực rừng đã thuê. Nếu như được sự giúp đỡ về chính sách của địa phương và qua nghiên cứu về khí hậu, thổ nhưỡng thấy phù hợp với cây ba kích thì chúng tôi sẽ tiếp tục thuê đất tại các tỉnh, thành khác để trồng cây ba kích tím. Tôi đang chuẩn bị cho dự án đầu tư tại tỉnh Hòa Bình và Lạng Sơn. Tôi ước mơ, đến một ngày cây ba kích tím sẽ được trồng khắp cả miền Bắc, thậm chí nhân rộng trong cả nước".
Ông Tiềm chia sẻ: “Đến một độ tuổi nhất định nào đó, con người muốn sống gần thiên nhiên hơn. Cuộc sống dân dã giúp tôi thư thái và thoải mái hơn, sống khỏe mạnh hơn. Còn gì bằng, khi đến tuổi này mà vẫn được làm những gì mình thích, hơn nữa làm trang trại là niềm đam mê sống còn của tôi. Thi thoảng, tôi mới xuống phố thăm vợ con, bạn bè hoặc đem ba kích đến cho khách theo đơn đặt hàng”.
Theo Nguoiduatin