(BVPL) - Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành vào cuối năm 2015, lao động trong 8 lĩnh vực ngành nghề sẽ được tự do dịch chuyển: dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ điều dưỡng, kiến trúc, giám sát thi công, kế toán, bác sĩ, nha sĩ và du lịch. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp (DN) tuyển dụng được nhân sự giỏi. Sự dịch chuyển “tự do” này vừa là cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam, đồng thời cũng là thách thức không nhỏ khi một lượng lớn lao động các nước ASEAN vào Việt Nam, tạo nên cuộc cạnh tranh với lao động trong nước.

 


Chất lượng lao động Việt xếp thứ 11/12 nước châu Á

Số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, Việt Nam sẽ là một trong những nước hưởng lợi lớn từ những tác động của việc hình thành AEC về tăng trưởng việc làm, nâng cao năng suất lao động, nhất là năng suất lao động ngành công nghiệp…Chất lượng lao động của Việt Nam cũng đã từng bước được nâng lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 30% lên 50% trong vòng 10 năm trở lại đây.

Việt Nam hiện có khoảng 53 triệu người đang trong độ tuổi lao động, được đánh giá là nước có lực lượng lao động dồi dào. Trong đó, có 25,4 triệu người có trình độ chuyên môn kỹ thuật, 15,6 triệu người là công nhân nhưng lại không có chứng chỉ hoặc bằng cấp. Số công nhân có chứng chỉ và bằng cấp chỉ chiếm 18,4%. Lao động qua đào tạo đã phần nào đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp vào thị trường lao động. Lực lượng lao động kỹ thuật của Việt Nam đã từng bước làm chủ được khoa học công nghệ, một số người đã đảm nhận được các vị trí công việc phức tạp trong sản xuất kinh doanh mà trước đây phải thuê chuyên gia nước ngoài.

Việt Nam đang xuất khẩu nhiều lao động sang các nước ASEAN, đặc biệt là Malaysia với hàng nghìn chỉ tiêu mỗi năm, làm nhiều loại ngành nghề khác nhau. Nhiều ngân hàng, doanh nghiệp Việt Nam đã mở chi nhánh, hoạt động khá hiệu quả tại Lào, Campuchia cho thấy khả năng hội nhập nhanh chóng của lao động Việt Nam trong ASEAN gắn với dòng di chuyển thương mại, vốn đầu tư, dịch vụ.

Tuy nhiên, đánh giá của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng, Việt Nam đang rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn hạn chế, có khoảng cách khá lớn so với các nước phát triển trong khu vực. Nếu lấy thang điểm là 10, Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm – xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của Ngân hàng Thế giới. Việt Nam còn thiếu nhiều lao động lành nghề, nhân lực qua đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp về tay nghề và các kỹ năng mềm khác.

Lo ngại “rớt” trên sân nhà

Theo nhận định của các chuyên gia trong và ngoài nước, trình độ, kỹ năng và chuyên môn thấp của người lao động sẽ cản trở Việt Nam nắm bắt cơ hội khi hội nhập. Chất lượng nguồn nhân lực nước ta hiện còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập. Do xuất phát điểm thấp, cơ cấu kinh tế chủ yếu vẫn là nông nghiệp, do vậy tỷ lệ lao động tham gia thị trường lao động chính thức còn thấp. Khoảng 45% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp năng suất và thu nhập thấp, hầu hết là lao động chưa qua đào tạo. Hiện nay, chỉ có gần 18,4% lao động có bằng cấp chứng chỉ qua đào tạo, trong đó có 7% là lực lượng lao động có bằng đại học trở lên. Chất lượng, cơ cấu lao động vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập. Đại đa số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chưa qua đào tạo. Mặc dù lao động đã qua đào tạo (học nghề chính quy và thường xuyên, phi chính thức, học nghề dưới 3 tháng và học nghề tại doanh nghiệp) có tăng lên nhưng vẫn còn thấp, chỉ chiếm khoảng 38% tổng lực lượng lao động.

Điểm yếu nhất của nhân lực nước ta hiện nay chính là kỹ năng nghề nghiệp. Mặc dù lao động có qua đào tạo nhận chứng chỉ nghề nhưng do tình trạng học chay vì thiếu thiết bị giảng dạy, thiếu thực hành, giáo viên không đủ và hạn chế về kỹ năng nên nhân lực đào tạo ra trường không thể đứng máy làm việc được, doanh nghiệp lại phải tốn thời gian, kinh phí đào tạo lại để bắt kịp với công việc.

Không chỉ yếu về trình độ mà nhân lực nước ta còn thiếu cả kỹ năng mềm như: cách làm việc nhóm, giao tiếp, kỹ năng tuân thủ quy trình lao động. Sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng và thái độ, cũng như trạng thái tâm lý để sẵn sàng di chuyển sang làm việc tại các nước ASEAN của lao động Việt Nam chưa cao. Chỉ xét về đào tạo ngoại ngữ ở Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn, rất ít lao động Việt Nam học các thứ tiếng Thái Lan, Lào, Campuchia hoặc tiếng của các nước ASEAN khác, do đó khả năng thích nghi với môi trường làm việc mới khó khăn. Thêm vào đó, hạn chế về tiếng Anh cũng ảnh hưởng tới cơ hội cạnh tranh tìm việc làm.

Những hạn chế đang tồn tại khiến người lao động nước ta bị mất việc làm ngay ở trong nước. Thực tế hiện nay, nhiều chủ doanh nghiệp nước ngoài như Singapore, Hàn Quốc thích tuyển dụng nhân lực của Philippines, Indonesia hơn Việt Nam, dù những công việc đó lao động Việt Nam hoàn toàn có thể đảm nhận việc được. Vấn đề kỷ luật lao động, ý thức tuân thủ pháp luật cũng như cường độ lao động cũng cần có giải pháp khắc phục. Đây là những nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Nếu không ý thức được điều này, lao động Việt Nam sẽ thua ngay trên sân nhà.
 

Tú Uyên

.