Bên cạnh tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc ở doanh nghiệp thì việc tham gia BHXH tự nguyện cũng là một trong những lựa chọn tốt đối với các đối tượng muốn tham gia bảo hiểm nhưng không làm việc trong các doanh nghiệp. Tuy nhiên, BHXH hội tự nguyện vẫn còn là khái niệm mới và có nhiều quyền lợi mà người dân chưa biết đến.
Ông Nguyễn Văn Chương- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bắc Ninh cho biết: Nhằm đảm bảo quyền lợi tối đa của người lao động, BHXH tỉnh thường xuyên chỉ đạo BHXH cấp huyện tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT nói chung và BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình nói riêng tại khu vực các làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; BHXH tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 921/QĐ-UBND ngày 19/6/2019 về việc thành lập Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN tỉnh Bắc Ninh và UBND cấp huyện đã giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Tính đến ngày 31-7, toàn tỉnh có 5.196 người tham gia BHTN. Trong đó, đối tượng tham gia mới gần 2.000 người.
Nhiều quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện
Cũng theo ông Chương, đối tượng đích của BHXH tự nguyện là người lao động tuổi từ đủ 15 - 45 tuổi. Mức đóng BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia lựa chọn. Thời gian đóng tối thiểu là 20 năm mới được hưởng lương hưu. Mức hưởng 45% mức đóng trung bình trong 20 năm. Thời gian hưởng lương hưu nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
Bên cạnh đó, người dân tham gia BHTN về già được hưởng lương hưu và tử tuất, cấp BHYT miễn phí.. Tuy nhiên, Người dân luôn nghĩ chỉ có công chức, viên chức làm việc trong cơ quan nhà nước hoặc tham gia lao động trong các doanh nghiệp thì mới được hưởng lương hưu. Bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn còn là khái niệm mới và có nhiều quyền lợi mà người dân chưa biết đến. Cụ thể là:
Thứ nhất, Căn cứ tại khoản 4 điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện:
Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại các đơn vị đủ điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Thứ hai, Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 595 QĐ-BHXH thì đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được lựa chọn các phương thức đóng sau đây:
- Đóng hàng tháng.
- Đóng 3 tháng 1 lần.
- Đóng 6 tháng 1 lần.
- Đóng 12 tháng 1 lần
- Đóng 1 lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần.
Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về độ tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu sao cho đủ 20 năm để được hưởng lương hưu.
Thứ ba, Mức đóng bảo hiểm xã hội được người tham gia bảo hiểm tự lựa chọn theo mức thu nhập tự chọn hàng tháng. Theo quy định tại điều 87 luật bảo hiểm xã hội 2014:
Đối với hình thức đóng bảo hiểm xã hội với hình thức tự nguyện thì mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Mức thu nhập hàng tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn quy định và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Chú ý hơn, Theo quy định tại Điều 12 quyết định 595 QĐ-BHXH quy định về hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện của nhà nước đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau:
Từ ngày 01/01/2018 Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.
Cụ thể:
- Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo;
- Bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo
- Bằng 10% đối với các đối tượng khác
Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng)
Đặc biệt là, Người tham gia bảo hiểm xã hội tư nguyện được hưởng quyền lợi về 2 chế độ là chế độ tử tuất, chế độ hưu trí, và chế độ bảo hiểm xã hội 1 lần như đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
“ Có thể nói đây là những quyền lợi rất nhân văn đúng theo chính sách an sinh của nhà nước, BHXH khiến người dân an tâm hơn vì đó là loại bảo hiểm phi lợi nhuận do nhà nước ban hành. Nếu người dân đang tham gia vì một lý do nào đó mà không tham gia được có thể bảo lưu đến khi có điều kiện tham gia lại hoặc có thể thanh toán trợ cấp một lần, đó cũng là lý do không thể so sánh giữa BHXH tự nguyện với các bảo hiểm thương mại khác”. Ông Chương khẳng định.
Người dân dễ dàng tham gia BHXH tự nguyện
Để đáp ứng nhu cầu kịp thời của người dân cũng như đảm bảo phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện BHXH tỉnh Bắc Ninh phối hợp với BHXH các huyện và Hội Nông dân, Hội Phụ nữ huyện tuyên truyền ở các xã, các cụm dân cư trên địa bàn, tổ chức tập huấn, đào tạo và thẻ hoạt động nhiều đại lý theo quy định, mở rộng đại lý đến cấp thôn là chi hội trưởng Hội Nông dân, Hội Phụ nữ. “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, tạo điều kiện tối đa cho hội viên tham gia BHXH tự nguyện mà không phải đi lại nhiều để làm thủ tục. Đó là phương châm của BHXH tỉnh Bắc Ninh.
Thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đơn giản, người dân chỉ cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
- Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH tự nguyện theo mẫu TK1-TS
- Sổ bảo hiểm xã hội ( đối với người đã có sổ bảo hiểm xã hội )
- Giấy xác nhận đã thu hồi sổ bảo hiểm xã hội ( đối với người dã hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội 1 lần).
- Đại lý thu/Cơ quan BHXH (đối với trường hợp người tham gia đăng ký trực tiếp tại cơ quan BHXH): Danh sách người tham gia BHXH tự nguyện mẫu D05-TS
Vậy sau khi chuẩn bị xong hồ sơ giấy tờ thì người lao động đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện có thể mang hồ sơ nộp cho nhân viên đại lý thu quản lý gần nhất, bưu điện xã hoặc tại trung tâm bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi cư trú.
Trong thời hạn 07 ngày sau khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tiến hành cấp sổ bảo hiểm cho bạn, nếu bạn tham gia bảo hiểm lần đầu.