Thời gian vừa qua, công tác quản lý, kiểm soát chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã có những chuyển biến tích cực; tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
 
Tăng cường công tác kiểm tra, giám định bảo hiểm y tế
 
Đó là một trong những chỉ đạo của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Thị Minh trong Thông báo Kết luận Hội nghị trực tuyến toàn Ngành về công tác giám định Bảo hiểm y tế (BHYT).
 
Nội dung thông báo nêu rõ: Sáng 14/9/2017, BHXH Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn Ngành về công tác giám định BHYT. Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, ý kiến tham luận, giải trình của BHXH các tỉnh, ý kiến của các Phó Tổng Giám đốc tham gia hội nghị, Tổng Giám đốc kết luận: Thời gian vừa qua, công tác quản lý, kiểm soát chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT đã có những chuyển biến tích cực; tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
 
Vì vậy, để đảm bảo thống nhất triển khai công việc những tháng cuối năm, yêu cầu các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh khẩn trương, nghiêm túc thực hiện những nội dung sau:
 
Đối với các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam
 
Ban Thực hiện chính sách BHYT chủ trì, phối hợp với các đơn vị của Bộ Y tế khẩn trương hoàn thành văn bản hướng dẫn giải quyết vướng mắc trong thanh toán chi phí KCB BHYT (hoàn thành trong tháng 9/2017); tổ chức hướng dẫn các địa phương có những vướng mắc, tồn tại, đảm bảo thực hiện thanh toán, tạm ứng đúng quy định. Chỉ đạo kiên quyết thu hồi những chi phí không đúng quy định theo hướng dẫn của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam; giám sát việc thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam tại các địa phương thông qua các đợt kiểm tra. Trực tiếp tham gia vào triển khai thực hiện kế hoạch kiểm soát chi phí của BHXH các tỉnh đã sử dụng trên 100% quỹ và của BHXH Hà Nội.
 
Đồng thời, chủ trì và phối hợp với Ban Thu, Vụ Tài chính- Kế toán, Vụ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, điều chỉnh dự toán chi KCB BHYT năm 2017 trong phạm vi quỹ dự phòng trong năm. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo, kiểm tra, rà soát, xác định lại những yếu tố chủ quan làm gia tăng bất hợp lý chi phí KCB như: Tăng tần suất điều trị nội trú tại Quảng Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam và tăng chỉ định DVKT tại Nghệ An, Hà Tĩnh…
 
Trung tâm Giám định BHYT và TTĐT khu vực phía Bắc tăng cường hỗ trợ địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong kết chuyển dữ liệu, thực hiện công tác giám định điện tử. Định hướng các vấn đề cần tập trung kiểm tra, giám định (thuốc, VTYT, DVKT) đối với mỗi địa phương.Yêu cầu BHXH các địa phương báo cáo kết quả giám định mà Trung tâm đã chỉ đạo thực hiện. Thực hiện chia sẻ thông tin về công tác giám định điện tử, dữ liệu chi phí KCB có liên quan đối với các đơn vị: Thực hiện chính sách BHYT, Dược và VTYT, Thanh tra- Kiểm tra.
 
Ban Dược và VTYT tiếp tục theo dõi, hỗ trợ các địa phương trong việc xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu thuốc. Đối với VTYT, cần lưu ý địa phương phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính kiểm tra, ghi chép thông tin trong đấu thầu, đối chiếu so sánh với kết quả đấu thầu được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Ngành; xử lý đối với các loại VTYT cùng chủng loại, cùng tên thương mại, cùng hãng sản xuất nhưng giá chênh nhau giữa các địa phương.
 
Vụ Tài chính- Kế toán chủ trì, phối hợp với Ban Thực hiện chính sách BHYT tổng hợp, thẩm định chi phí vượt quỹ, vượt trần KCB BHYT năm 2016 để đề xuất thanh toán từ nguồn quỹ dự phòng trung ương. Phối hợp với Ban Thu, Ban Thực hiện chính sách BHYT, Vụ Kế hoạch- Đầu tư thực hiện rà soát để điều chỉnh dự toán chi KCB BHYT năm 2017 trong phạm vi quỹ dự phòng năm 2017 và cấp ứng kinh phí vượt quỹ, vượt trần năm 2017 đối với các địa phương đã có báo cáo kết quả thẩm định vượt quỹ, vượt trần.
 
Đối với BHXH các tỉnh
 
Giám đốc BHXH tỉnh phải nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, yêu cầu đặt ra; những khó khăn, thách thức trong thực hiện nhiệm vụ năm 2017 và những năm tiếp theo để trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện chính sách BHYT tại địa phương nói chung và công tác giám định BHYT nói riêng.
 
Thường xuyên báo cáo, tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để chỉ đạo, nắm bắt tốt tình hình tại địa phương. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành, địa phương thực hiện những giải pháp quản lý hiệu quả, chống lạm dụng, trục lợi quỹ KCB BHYT.
 
Trên cơ sở hướng dẫn của các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh tổ chức thực hiện; kịp thời thông tin, báo cáo khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để được BHXH Việt Nam chỉ đạo giải quyết.
 
Trường hợp xảy ra tình trạng dữ liệu thẻ bị trục trặc, BHXH các tỉnh thông báo với các BV tạm thời sử dụng thông tin trên thẻ giấy, tránh để bệnh nhân phải chờ đợi, gây bức xúc.
 
Đối với 42 tỉnh bội chi quỹ KCB BHYT lớn, trong đó có 8 tỉnh đã sử dụng quá 100%, 15 tỉnh sử dụng trên 90% quỹ, 19 tỉnh trên 80%. Yêu cầu 8 tỉnh đã sử dụng quỹ KCB BHYT quá 100%, tỉnh Ninh Bình và TP.Hà Nội cần xây dựng ngay kế hoạch chi tiết công tác kiểm soát chi phí KCB BHYT những tháng cuối năm 2017, trong đó phân tích các nguyên nhân chủ quan làm gia tăng chi phí và có giải pháp can thiệp hiệu quả. 
 
Các tỉnh còn lại, Giám đốc BHXH tỉnh không chủ quan, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám định chặt chẽ chi phí KCB và quản lý quỹ tiết kiệm, hiệu quả.
 
Đối với BHXH tỉnh Quảng Nam, yêu cầu Giám đốc phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn giám định, xác định rõ nguyên nhân bội chi, có căn cứ thuyết phục để từ chối thanh toán chi phí KCB không đúng...
 
PV