CEO Summit là sự kiện chính trong ngày thứ ba của Tuần lễ cấp cao APEC. Chủ tịch nước Trần Đại Quang tham dự và phát biểu khai mạc Hội nghị chiều ngày 8/11. Tham dự các phiên họp của Hội nghị có lãnh đạo một số nền kinh tế APEC cùng hơn 2.000 doanh nghiệp hàng đầu khu vực, quốc tế và 800 doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra còn có lãnh đạo các tổ chức quốc tế và các ngân hàng uy tín trên toàn cầu. 

leftcenterrightdel
APEC CEO Summit là hoạt động doanh nghiệp có quy mô lớn nhất trong Tuần lễ Cấp cao 
Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: “Nhờ có sự đóng góp của các doanh nghiệp từ hàng đầu thế giới cho đến siêu nhỏ, nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành đầu tàu kinh tế năng động đóng góp 50% tổng đầu tư thương mại, 60% GDP toàn cầu, tiên phong cho các ngành nghề, hình thức hợp tác kinh doanh mới của thế giới, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của người dân”.
 
Chủ tịch nước đã chỉ ra ba vấn đề cấp bách cần Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cùng giải quyết để APEC tiếp tục là diễn đàn liên kết kinh tế hàng đầu khu vực. Thứ nhất, duy trì đà liên kết và phục hồi kinh tế toàn cầu, phát huy vai trò tiên phong của APEC trong tự do hóa thương mại và đầu tư, hoàn tất các Mục tiêu Bogor vào năm 2020, đồng thời đẩy mạnh hợp tác công – tư, chú trọng đầu tư vào con người. Thứ hai, APEC cần đẩy mạnh nỗ lực bảo đảm tính bao trùm của phát triển, biến “câu chuyện thần kỳ kinh tế” thành “câu chuyện thần kỳ về phát triển bao trùm” của khu vực, đi đầu thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Thứ ba, doanh nghiệp trong khu vực cần tích cực tham gia đóng góp vào tiến trình xây dựng và hiện thực hóa tầm nhìn APEC sau năm 2020 - hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng.
 
Với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, APEC CEO Summit lần này có nhiều phiên thảo luận tập trung các xu thế mới như: toàn cầu hóa, tự do thương mại, thúc đẩy kinh tế phát triển năng động và bền vững, kết nối để tăng trưởng, tương lai nền kinh tế số hóa và giải quyết việc làm cho người lao động… 
leftcenterrightdel
AMM do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đồng chủ trì đã thành công tốt đẹp 
Hội thảo kết thúc chiều ngày 10/11. Cùng ngày, lãnh đạo các nền kinh tế lớn như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Nga Vladimir Putin… đã có cuộc Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo cấp cao với Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) và Đối thoại không chính thức với các nhà lãnh đạo ASEAN.
 
Trước đó, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần 29 (AMM) cũng đã diễn ra thành công tốt đẹp. 
 
Về kết quả nổi bật của Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay, sau hơn một ngày làm việc với ba phiên họp toàn thể với nhiều đánh giá sâu sắc và toàn diện, các Bộ trưởng đã thống nhất những vấn đề lớn, gồm: Tiếp tục khẳng định quyết tâm duy trì đà hợp tác và liên kết của APEC, tìm kiếm các biện pháp tháo gỡ vướng mắc trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực còn nhiều khó khăn; Nhất trí APEC cần tạo những xung lực mới để góp phần duy trì châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu; Thông qua nhiều sáng kiến quan trọng, nhất là 04 văn kiện mang tính định hướng chiến lược và dài hạn cho hợp tác APEC để trình lên các nhà lãnh đạo kinh tế APEC; AMM cũng hoan nghênh việc thông qua văn kiện về APEC hướng tới năm 2020 và tương lai. 
 
Hoàng Liên Sơn