(BVPL) - Trong 9 tháng đầu năm 2013, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cấp mới và tăng thêm là 15,005 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm 2012.


Theo lĩnh vực đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2013, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm của NĐTNN nhất với 400 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 12,969 tỷ USD, chiếm 86,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 588,11 triệu USD, chiếm 4,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 là hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với 116 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 380,59 triệu USD.

Theo đối tác đầu tư, Cục cho biết, đã có 48 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 4,736 tỷ USD, chiếm 31,6% tổng vốn đầu tư đăng ký tại Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,95 tỷ USD, chiếm 26,3% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,636 tỷ USD, chiếm 17,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Theo địa bàn đầu tư, không kể dầu khí ngoài khơi, các NĐTNN đã đầu tư vào 50 tỉnh thành phố. Trong đó, với sự điều chỉnh tăng 2,8 tỷ USD vốn đầu tư của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với 2,920 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 19,5% tổng vốn đầu tư. Thái Nguyên đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,158 tỷ USD, chiếm 14,4% vốn đăng ký. Hải Phòng đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 1,94 tỷ USD, chiến 12,9% vốn đăng ký.

Một số dự án lớn được cấp phép trong 9 tháng đầu năm 2013 là:

- Dự án Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) của nhà đầu tư Nhật Bản điều chỉnh tăng vốn đầu tư 2,8 tỷ USD;

- Dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Thái Nguyên của nhà đầu tư Singapore với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD để sản xuất và lắp ráp các sản phẩm điện tử;

- Dự án Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng của nhà đầu tư Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD để sản xuất và lắp ráp các sản phẩm điện, điện tử;

- Dự án Công ty TNHH Bus Industrial Center của nhà đầu tư Liên bang Nga với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất phụ tùng xe ôtô buýt và các dịch vụ hỗ trợ khác tại Bình Định;

- Dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Bắc Ninh điều chỉnh tăng vốn 1 tỷ USD;

Tình hình hoạt động của các dự án

Vốn thực hiện trong 9 tháng năm 2013 của các dự án FDI ước giải ngân được 8,62 tỷ USD, tăng 6,4% với cùng kỳ năm 2012.

Xuất, nhập khẩu: Xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) trong 9 tháng dự kiến đạt 63,949 tỷ USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm 66,29% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 58,449 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ 2012 và chiếm 60,59% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhập khẩu của khu vực FDI đạt 54,499 tỷ USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm 56,42% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2013, khu vực FDI xuất siêu 9,45 tỷ USD, trong khi cả nước nhập siêu 124 triệu USD.


Tường Châu

.