Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chiếm hơn một phần ba tổng số nợ mà Chính phủ phải bảo lãnh, tính đến hết năm 2015.

 


Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh EVN và các công ty điện lực phải xử lý vấn đề lỗ chênh lệch tỷ giá hằng năm do nguồn thu bán điện đến từ nội tệ trong khi có nhiều khoản vay lớn bằng ngoại tệ. Đồng thời, Bộ Công Thương cần xem xét các khoản lỗ này do chính sách hay không, để đảm bảo tiêu chí doanh nghiệp không bị lỗ khi xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ.

Ngoài ra, nếu EVN có các dự án triển khai, huy động vốn lớn, cần phải được Quốc hội phê duyệt bảo lãnh vì liên quan đến an ninh tài chính quốc gia.

"Trong quá trình quản lý danh mục đầu tư của mình và theo xu hướng cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước, EVN cần có sự hoạch định chiến lược về quản lý tài sản và nghĩa vụ nợ sau đầu tư để đảm bảo năng lực tài chính và khả năng trả nợ", Bộ Tài chính yêu cầu. Cơ quan quản lý đồng thời cũng nhắc việc một số công ty mua bán điện của EVN chậm thanh toán, dẫn đến các công ty phát điện cũng bị hụt nguồn trả nợ.

Thực tế, EVN là "ông lớn" nặng nợ nhất hiện nay. Theo một báo cáo của tập đoàn, đến cuối năm 2014, tổng tài sản công ty mẹ đạt 576.133 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 161.190 tỷ. Hệ số nợ phải trả/vốn Nhà nước đạt 2,64 lần, tương ứng số nợ phải trả vượt 425.000 tỷ đồng.

Nợ nước ngoài của tập đoàn cũng vượt 162.000 tỷ đồng. Chỉ tính tiêng dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, tổng vố đầu tư đã hơn 1,6 tỷ USD (36.000 tỷ đồng), trong đó 85% là vốn vay tín dụng của Ngân hàng Kexim, Ksure (Hàn Quốc) và Ngân hàng JBIC (Nhật Bản).

Các đơn vị thành viên khác của EVN cũng có những khoản vay ngoại tệ lớn như: Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia vay 245 triệu USD từ Citibank hay vay BNP Paribas 108 triệu USD...

Vay nợ lớn từ nước ngoài, mỗi biến động tỷ giá đều khiến EVN và các công ty trực thuộc khó khăn về cân đối tài chính. Trong cuộc họp báo công bố kết quả kinh doanh giữa tháng 2/2016, Phó tổng giám đốc - Đinh Quang Tri cho biết, năm 2014, công ty đã lãi 823 tỷ đồng nhưng nếu hạch toán cả chênh lệch tỷ giá thì công ty sẽ lỗ. Tuy nhiên, công ty được cho hưởng cơ chế đặc biệt là sẽ phân bổ các khoản lỗ trả dần khi điều kiện tài chính cho phép. Thông thường, các công ty khác sẽ phải hạch toán khoản chênh lệch tỷ giá hằng năm.

Trong khi đó, báo cáo của kiểm toán độc lập ghi nhận lỗ tỷ giá của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia là 1.682,21 tỷ đồng; Tổng công ty Phát điện 1 là 641,75 tỷ đồng, Tổng công ty Phát điện 3 là 810,94 tỷ đồng, Công ty Nhiệt điện Hải Phòng là 392,12 tỷ đồng và Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh là 1.260,46 tỷ đồng…

Hơn một thập niên qua, Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về nhu cầu điện. Sản lượng tiêu thụ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 13% một năm, đến năm 2015 đạt 145 TWh, tăng gấp 6,5 lần so với mức 22,4 TWh ở năm 2000. Nhu cầu đến từ khu vực công nghiệp – xây dựng do tác động của quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa, khiến ngành điện phải đầu tư lớn để đáp ứng.

Từ đó, hàng loạt các dự án với quy mô vốn hàng tỷ đôla ra đời. Việc vay nợ nước ngoài lớn khiến ngành điện luôn đứng trước những rủi ro về tỷ giá, từ đó ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, tạo sức ép lên giá điện.

Đồng thời, nợ của EVN còn ảnh hưởng đến rủi ro nợ công của Việt Nam, tác động vào việc nợ Chính phủ vượt trần, đạt 50,3% cuối năm 2015. Tính đến cuối năm này, nợ được Chính phủ bảo lãnh là 26 tỷ USD, trong đó EVN chiếm tới gần 10 tỷ USD, trong khi số tiền trả nợ đạt gần 3,9 tỷ USD. Bộ Tài chính dự định sẽ quản lý chặt chẽ việc bảo lãnh này để giảm tác động đến nợ công, tạo đòn bẩy kinh tế phát triển.
 

Theo vnexpress

.