Năm 2023, Thị xã Đông Triều được giao tổng nguồn vốn đầu tư công trên 440 tỉ đồng. Địa phương triển khai gần 50 dự án (cả dự án khởi công mới và dự án GPMB). Bên cạnh Dự án Khu tái định cư phục vụ dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều (giai đoạn 1) phường Yên Thọ, hiện nay hầu hết dự án triển khai của thị xã Đông Triều rơi vào tình trạng thiếu nguồn đất san lấp mặt bằng, nguy cơ bị ảnh hưởng tiến độ chung. Theo kết quả rà soát của các phòng ban chuyên môn của Thị xã Đông Triều, địa phương đang thiếu khoảng 322.000m3 đất làm vật liệu san lấp mặt bằng.

leftcenterrightdel
 Đất đá thải mỏ chất cao như núi gây ám ảnh về ô nhiễm môi trường tại Quảng Ninh. Ảnh: Lê Cường

Trước đó, trên địa bàn thị xã Đông Triều chưa có mỏ đất nào được cấp quyền khai thác sử dụng đất làm vật liệu san lấp mặt bằng. Hầu hết các dự án trên địa bàn thị xã Đông Triều đang tận dụng nguồn vật liệu tro, xỉ (Nhà máy Nhiệt điện Đông Triều), thạch cao thay thế và nguồn đất nạo vét các công trình thay thế.

Theo tính toán sơ bộ, giai đoạn 2020-2025, thị xã Đông Triều cần khoảng 42 triệu m3 đất đá làm vật liệu san lấp mặt bằng. Tỉnh Quảng Ninh cũng đã đồng ý chủ trương giao cho Thị xã Đông Triều nghiên cứu quy hoạch 8 vị trí khai thác đất với tổng diện tích 79,33ha, trữ lượng khoảng 11,3 triệu m3.

Để tháo gỡ khó khăn trên, thời gian qua thị xã Đông Triều đã đề nghị Tổng Công ty Đông Bắc và Công ty TNHH S&Đ (đơn vị bốc xúc, vận chuyển) bổ sung giá bốc xúc, vận chuyển vào phương án chung để Sở Xây dựng sớm thẩm định tại mỏ ở bãi thải Nam Tràng Bạch (phường Hoàng Quế, Thị xã Đông Triều).

Cho đến hiện tại, thủ tục pháp lý tại mỏ ở bãi thải Nam Tràng Bạch đã hoàn thiện. Nguồn vật liệu này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng ý về nguyên tắc tại văn bản số 6702/BTNMT-ĐCKT ngày 8/11/2022 và UBND tỉnh Quảng Ninh thống nhất nội dung tại văn bản số 236/UBND-CN2 ngày 10/2/2023.

Cuối tháng 4/2023, Thị xã Đông Triều đã hoàn thiện các thủ tục, triển khai đưa đất đá thải mỏ vào thực hiện san lấp mặt bằng cho các dự án đầu tư công trên địa bàn. Công ty TNHH S&Đ là đơn vị bốc xúc, vận chuyển. Cho tới nay, đất đá thải mỏ đã được sử dụng san lấp mặt bằng cho 6-7 dự án trọng điểm của Thị xã Đông Triều.  

Ông Lê Văn Độ, Phó Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều cho biết: thị xã đang ưu tiên đẩy nhanh việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp. Việc này đóng góp tích cực vào việc tháo gỡ “điểm nghẽn” về vật liệu san lấp ở các dự án, vốn đang gặp nhiều khó khăn.

leftcenterrightdel
 Đất đá thải mỏ được sử dụng làm vật liệu san lấp tại một dự án trên địa bàn Thị xã Đông Triều.

Từ đó góp phần đẩy nhanh việc thi công, tăng tiến độ các dự án, thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, giúp tăng thu ngân sách. Về lâu dài, việc này không chỉ giảm thiểu tác động tới môi trường, cảnh quan, giảm áp lực cho các bãi thải mỏ mà còn tận dụng đất đá thải làm nguồn vật liệu san lấp lâu dài cho các dự án, phù hợp với chủ trương phát triển xanh của tỉnh.

Nghị quyết số 10 ngày 26/9/2022 của Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã đặt ra yêu cầu phải có lộ trình chấm dứt khai thác đất, đá đồi tự nhiên làm vật liệu san lấp mặt bằng tại các địa bàn Đông Triều, Quảng Yên, Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn; tập trung sử dụng đất, đá thải mỏ, tro, xỉ thải từ các nhà máy nhiệt điện làm vật liệu san lấp mặt bằng nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn, giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.

Như vậy có thể thấy, việc lấy đá thải tại mỏ Nam Tràng Bạch sử dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng các Dự án trên địa bàn thị xã Đông Triều sẽ mang lại hiệu quả kép. Việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp không chỉ hạn chế tối đa việc khai thác đất đồi ảnh hưởng tới cảnh quan thiên nhiên mà còn giảm áp lực về bãi thải mỏ và bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất than. Đồng thời nguồn đất đá thải tưởng chừng như bỏ đi và phải sử dụng nhiều kinh phí để hoàn nguyên thì khi tận dụng cho các dự án còn tạo thêm nguồn ngân sách nhà nước. 

Khánh Quyên