Cùng với du lịch di sản văn hóa, tâm linh thì du lịch sinh thái cộng đồng là loại hình mũi nhọn được huyện quan tâm đầu tư. Tại tỉnh Thanh Hóa, huyện Bá Thước đóng vai trò là điểm nhấn về sinh thái và bản sắc văn hóa cộng đồng của người Thái và người Mường. 

Xác định phát triển du lịch cộng đồng là đòn bẩy không chỉ giúp người dân từng bước xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển, huyện đã kêu gọi một số công ty đầu tư vào các loại hình dịch vụ du lịch tại bản Hiêu, bản Đôn, bản Kho Mường... 

Bên cạnh đó, huyện còn tăng cường công tác quảng bá du lịch cộng đồng, khôi phục các loại hình văn hóa truyền thống, các sản phẩm đặc trưng, quản lý, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, các di tích đã được xếp hạng, đào tạo nguồn nhân lực... Nhờ những động thái tích cực từ chính quyền và người dân địa phương, huyện Bá Thước đã có trên 60 cơ sở lưu trú cộng đồng theo hình thức homestay.

Nhiều dư địa phát triển du lịch sinh thái cộng đồng

Nằm ở phía Tây của tỉnh, Bá Thước là huyện miền núi được thiên nhiên ưu ái ban tặng nguồn tài nguyên thiên nhiên kì vĩ, hoang sơ, phong phú; cùng sự bình yên và nhịp sống chậm rãi của những bản làng lọt giữa các thung lũng; tập tục sinh hoạt, ẩm thực, âm nhạc, … vẫn được cộng đồng người dân lưu giữ khá nguyên vẹn, tạo nên đặc trưng riêng của mảnh đất này. Hàng năm, địa phương đã thu hút hàng trăm nghìn lượt khách trong nước và quốc tế yêu thích trekking, phượt, trải nghiệm và nghỉ dưỡng.

Đây cũng là địa phương được quy hoạch xây dựng 2 làng văn hóa du lịch thuộc 2 xã Thành Sơn và Cổ Lũng theo Công văn 161/VPĐP-OCOP ngày 12-3-2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. Trên cơ sở đó, tỉnh đã lập 2 dự án làng văn hóa du lịch cộng đồng tại bản Kho Mường, xã Thành Sơn và bản Hiêu, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của chương trình OCOP là xây dựng, quy hoạch kiến trúc điển hình, tổ chức cộng đồng phát triển du lịch, khai thác và phát huy tối đa lợi ích mang lại từ các loại hình du lịch khác nhau, đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng.

leftcenterrightdel
  Pù Luông thu hút số lượng khách quốc tế tới nghỉ dưỡng, trải nghiệm với không gian xanh.

Trên hành trình lên đỉnh Pù Luông hùng vĩ, có một thung lũng rất đỗi nguyên sơ và mộc mạc mang tên Kho Mường. Nằm trong vùng lõi Pù Luông, chúng ta còn được thỏa sức đằm mình trong dòng thác Hiêu với làn nước trong veo, ngọt ngào, những thửa ruộng bậc thang, những dòng suối trong vắt, cùng nếp nhà giản dị nép mình bên sườn đồi…Chính vẻ đẹp làm đắm say lòng người ấy, đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây từ xưa vốn chỉ biết đến săn bắn hái lượm, trồng trọt chăn nuôi, mang tính tự cung tự cấp, giờ đã trở thành những người biết làm du lịch.

Bản Kho Mường (thuộc xã Thành Sơn) là nơi sinh sống của hơn 60 hộ dân tộc Thái. Kho Mường là một trong số ít nơi chịu ảnh hưởng tác động của con người nên vẫn giữ được những nét rất hoang sơ, thơ mộng vốn có của nó. Hang Kho Mường là một trong số hang động có vẻ đẹp hấp dẫn trong quần thể các hang động được phát hiện trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Những khối đá vôi đã làm nên hang động này, đã phát triển qua quá trình khoảng 250 triệu năm trước. Sự bình yên và không khí trong lành nơi đây là nơi trú ngụ bình yên không chỉ loài dơi mà còn cho không ít những loài chim rừng quý hiếm.

Nằm trên đỉnh của dãy núi Pha Chiến, thuộc vùng lõi của khu bảo tồn thiên Pù Luông hoang sơ còn có Cao Sơn, đây là mảnh đất gồm 3 bản làng Son – Bá – Mười (thuộc xã Lũng Cao), tọa lạc trên độ cao 1.180 m so với mực nước biển. Người ta không ngoa ngôn mà ví rằng, Cao Sơn đẹp ngỡ ngàng tựa như thành phố Sa Pa của Tây Bắc hay xứ sở mộng mơ Đà Lạt của đất rừng Tây Nguyên. Hành trình lên bản Son - Bá - Mười, chốn thâm sơn cùng cốc đẹp như tranh vẽ này chính là thiên đường ở Pù Luông.

leftcenterrightdel
 Đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã biết làm du lịch, homestay từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Và những “trái ngọt đầu mùa”

Coi phát triển du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch đem lại nguồn thu nhập cho đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. Dựa vào thế mạnh của từng địa phương, trong Đề án phát triển du lịch cộng đồng, Bá Thước xác định trên địa bàn toàn huyện có 17 bản, làng có thể làm du lịch và mỗi bản đều có nét văn hóa riêng. 

Theo chân cán bộ Văn hóa xã Thành Lâm, chúng tôi đến thôn Đôn, nơi đây, có những ruộng bậc thang trải dài, những nếp nhà sàn nằm ven chân đồi với cuộc sống sinh hoạt của người dân còn giữ nguyên bản sắc dân tộc. Chúng tôi bắt gặp từng đoàn du khách nước ngoài đi bộ, vai đeo ba lô nặng trĩu, họ đến từ nhiều nước khác nhau: Anh, Ai len, Đức, Pháp… Ông bà Her Man Nicolas, HerMan Marie - Claire cho biết: “Chúng tôi biết Bá Thước qua sách báo, phim ảnh. Chúng tôi quyết định đến nơi này để trải nghiệm nhân kỉ niệm 40 năm ngày cưới của mình. Chuyến đi thật tuyệt vời và ý nghĩa, ở đây chúng tôi không chỉ được hòa mình với thiên nhiên, có những giây phút thư thái mà còn thấy thật gần gũi khi con người nơi đây thật thà, thân thiện và mến khách, món ăn thì tươi ngon. Chúng tôi sẽ quay trở lại Pù Luông trong thời gian không xa.”

Khảo sát tại khu Du lịch cộng đồng Pù Luông (Bá Thước) lúc chưa có dịch COVID- 19 có tới 80- 90% khách du lịch quốc tế. Năm 2022 và nửa đầu năm 2023 Pù Luông cũng là địa điểm duy nhất trong tỉnh full phòng nghỉ trong các dịp nghỉ lễ.

Gia đình ông Hà Ngọc Bàn, một trong những gia đình tiên phong làm du lịch cộng đồng ở thôn Đôn cho biết: Trước đây chưa có mô hình homestay gia đình làm nông nghiệp, chủ yếu là trồng trọt, kinh tế gia đình bấp bênh. Bắt đầu khởi nghiệp, gia đình tôi gặp không ít khó khăn, song được sự động viên hỗ trợ của huyện, xã, giờ đây mô hình làm du lịch của gia đình tôi đã mang lại nguồn thu nhập chính để gia đình giảm nghèo và có thể vươn lên làm giàu. Hiện trong thôn có vài chục hộ cũng làm homestay và có thu nhập tương tự nhà ông Bàn.

leftcenterrightdel
 Du khách thích thú khi được đằm mình trong làn nước mát tự nhiên trong từ núi cao chảy về bể nhân tạo.

Ông Cao Kim Kiên, chủ kinh doanh du lịch Pù Luông Natura, chia sẻ: Là người làm và yêu du lịch hơn cả bản thân mình,  tôi nhận thấy việc phát triển và làm mới các sản phẩm du lịch, phù hợp với nhu cầu của thị trường và khách du lịch là yêu cầu bức thiết. Chính vì lẽ đó, hai năm nay tôi đã đầu tư thêm 1 trang trại thiên nhiên hơn 1 tỷ đồng rộng 1,5 ha. Trang trại nuôi những động vật có thể tương tác được với khách như nhím, ngỗng, dê, thỏ, lợn rừng,… cùng các trò chơi dân gian. Trang trại thiên nhiên này nằm trong quần thể Pù Luông Natura chủ yếu phục vụ trọng gói khách của trung tâm và khách ngoài nêu có nhu cầu. Mục đích của việc xây dựng thêm trang trại thiên nhiên này nhằm đưa du khách đến gần và sống chân hòa với thiên nhiên. Ngoài ra chúng tôi cũng vừa đầu tư hơn 500 triệu đồng để làm hệ thống xử lý nước thải vi sinh đạt loại b. Nước thải ra môi trường không mầu, không mùi.

Xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Bá Thước đã và đang thực hiện nhiều chính sách nhằm cải thiện môi trường, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển du lịch, huyện Bá Thước đang tập trung vào những giải pháp, phần việc cụ thể như: Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm đủ các điều kiện về giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc thuận lợi cho các nhà đầu tư; phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống; phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan khảo sát thực tế, lập quy hoạch để kêu gọi thu hút đầu tư phát triển du lịch trên các địa bàn sao cho phù hợp, qua đó phát huy tiềm năng, thế mạnh.

Bảo Châu