- Phóng viên: Ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16 trong đó có khuyến cáo thực hiện cách ly xã hội trên toàn quốc. Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tại Quảng Nam sẽ được thực hiện ra sao, thưa Ông?
+ Ông Nguyễn Thanh Danh, Phó Giám đốc phụ trách BHXH tỉnh: Hiện nay, BHXH tỉnh đang thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng trên 32.000 đối tượng thụ hưởng, trong đó có 24.000 đối tượng thuộc diện chi trả tiền mặt trực tiếp và gần 8.000 đối tượng đăng ký nhận qua tài khoản cá nhân. Lịch chi trả bắt đầu vào ngày 4-5 hằng tháng và tổ chức chi trả trong vòng 1 tuần.
Tuy nhiên, nhằm đảm bảo an toàn, tránh tập trung đông người và tạo điều kiện tốt nhất cho người dân trong thời điểm phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, được sự đồng ý của BHXH Việt Nam, việc thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH tháng 4 và tháng 5 sẽ được thực hiện trong một kỳ chi trả. BHXH tỉnh Quảng Nam đã tham mưu UBND tỉnh thống nhất giao BHXH tỉnh và Bưu điện tỉnh xây dựng phương án chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH tháng 4 và tháng 5/2020 vào chung 01 kỳ chi trả tháng 4.
Cụ thể, thời điểm bắt đầu thực hiện chi trả từ ngày 16/4 đến ngày 20/5 với hình thức chi trả tận nhà cho người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH. Đồng thời, ngành BHXH và Bưu điện tỉnh sẽ phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, thôn, khối phố để rà soát địa chỉ cụ thể từng đối tượng đảm bảo kịp thời chi trả tận nhà cho Nhân dân.
- Phóng viên: Việc thực hiện chi trả tại nhà dù mang lại thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng, những sẽ gặp những khó khăn nào với các đơn vị thực hiện công tác chi trả, thưa ông?
+ Ông Nguyễn Thanh Danh, Phó Giám đốc phụ trách BHXH tỉnh: Việc chi trả tận nhà trong thời gian qua chủ yếu được thực hiện cho các đối tượng thường xuyên ốm đau, đi lại khó khăn, người già trên 80 tuổi. Hình thức chi trả tận nhà tới tất cả các đối tượng rất mới và đặc biệt sẽ khó khăn hơn trong công tác tổ chức thực hiện của Ngành trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Khó khăn nữa là lực lượng chi trả tại 18 huyện, thị xã, thanh phố hiện nay khá “mỏng” với địa bàn rộng lớn. Yêu cầu đối với chi trả tận nhà phải có địa chỉ cụ thể của người hưởng. Việc rà soát tập trung địa chỉ cụ thể, với yêu cầu người nhận phải có mặt tại nhà để đảm bảo thực hiện chi trả kịp thời và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho đối tượng, cũng như giữ khoảng cách và không tập trung đông người tại nơi chi trả sẽ là những khó khan không nhỏ với chúng tôi.
Lường trước những khó khăn này, BHXH tỉnh đã đưa ra các biện pháp như, thông qua xã phường thị trấn cùng với ban nhân dân khối phố, thôn để rà soát từng địa chỉ của người hưởng; sau đó huy động lực lượng của BHXH và Bưu điện tỉnh để trả từng địa chỉ cụ thể theo phương thức cuốn chiếu, nhanh cho từng địa bàn. Với những địa phương có số đối tượng đông, địa bàn rộng thì giữa hai ngành phải bố trí phương án ưu tiên lực lượng chi trả. Đây là giải pháp nhằm đảm bảo sự an toàn cho người hưởng, tránh trường hợp tập trung đông người, hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, chúng tôi đã quán triệt chỉ đạo của UBND tỉnh đến đội ngũ nhân viên thực hiện nhiệm vụ chi trả, phải đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch: nhân viên phải đảm bảo không liên quan đến yếu tố dịch tể, thường xuyên đeo khẩu trang trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ, đo thân nhiệt ít nhất mỗi ngày 2 lần, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn sau mỗi lần chi trả và thực hiện các biện pháp khác theo khuyến cáo của cơ quan y tế nhằm đảm bảo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch Covid-19.
- Phóng viên: Bên cạnh công tác này, thì việc thực hiện giải quyết các chế độ BHXH, BHYT tại cơ quan BHXH tỉnh trong thời gian thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
|
|
BHXH tỉnh Quảng Nam thông báo công khai về việc tiếp nhận, trả kết quả TTHC trong thời gian thực hiện cách ly xã hội phòng, chống dịch Covid-19 |
+ Ông Nguyễn Thanh Danh, Phó Giám đốc phụ trách BHXH tỉnh: Hiện nay BHXH tỉnh có 18 bộ phận “một cửa” tại BHXH các huyện, thị xã, thành phố. Hằng ngày, ngành BHXH tiếp nhận hồ sơ qua các kênh: một là “Giao dịch điện tử”, hai là kênh “dịch vụ Bưu chính công ích”, và thứ ba là nhận hồ sơ trực tiếp tại bộ phận “một cửa”.
Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh đã báo cáo và được sự đồng ý của UBND tỉnh, trong 6 thủ tục thường xuyên thực hiện giao dịch với Nhân dân, xác định 2 hình thức cần thiết duy trì giao dịch trực tiếp gồm: cấp lại thẻ BHYT bị mất, hỏng khi người có thẻ BHYT đang khám, chữa bệnh; chốt sổ BHXH cho người lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động (đảm bảo cho người lao động kịp thời hoàn thiện hồ sơ hưởng BH thất nghiệp). Đồng thời, tăng cường truyền thông trên Trang Thông tin điện tử của BHXH tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh để khuyến nghị Nhân dân với các trường hợp chưa thực sự cấp bách, tạm thời chờ đến ngày 16/4 để BHXH tỉnh tiếp tục nhận hồ sơ phục vụ Nhân dân.
Ngoài ra, BHXH tỉnh và cấp huyện vẫn bố trí cán bộ trực tại bộ phận "một cửa" để tiếp nhận hồ sơ giao dịch điện tử, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích cho Nhân dân; cán bộ, viên chức, người lao động của cơ quan BHXH được yêu cầu làm việc tại nhà, trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo giải quyết công việc hiệu quả; bố trí cán bộ trực làm việc tại cơ quan BHXH các cấp đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
- Phóng viên: Xin cảm ơn ông!