Gần đây, thông tin một giám đốc Cty cơ khí tại tỉnh Thái Bình tự mày mò chế tạo tàu ngầm mini khiến dư luận xôn xao. Nhiều người bán tín, bán nghi, bởi tàu ngầm, ai cũng biết, là một loại phương tiện đòi hỏi yêu cầu về công nghệ rất cao, liệu một giám đốc chuyên về mảng cơ khí có thể đáp ứng?
Ông nói tiếp, sau khi có đủ kiến thức thông tin, ông đã tiến hành thiết kế, tính toán các thông số kỹ thuật, rồi sau đó, từ Tết đến giờ, ông cùng các kỹ sư và công nhân của Cty đã bắt tay đóng tàu ngầm. Ngoài ra, ông cũng học lại những kiến thức về đóng tàu; nghiên cứu về biển, luật hàng hải…
Trao đổi với chúng tôi, ông Hòa chia sẻ, ý tưởng về chế tạo tàu ngầm hình thành cách đây khoảng hơn 1 năm. Nói về lý do, ông Hòa cho biết, nước ta có bờ biển rất dài, diện tích mặt biển rất lớn, để bảo vệ chủ quyền, đánh bắt hải sản thì không gì tốt hơn là bằng tàu ngầm. Ngoài ra, ông còn nhắm tới mục đích phục vụ du lịch.
Tuy nhiên, ông Hòa khẳng định: "Con tàu mang tính chất thí nghiệm để xác định các thông số tính toán của tôi chứ chưa mang tính sử dụng. Nếu là con tàu sau mới mang tính thương mại".
Nhiều người tỏ ra nghi ngờ về việc thành công của chiếc tàu ngầm này, bởi ai cũng biết, công nghệ dành cho tàu ngầm là rất phức tạp, độ chính xác, an toàn phải gần như tuyệt đối. Ngoài ra, còn là vấn đề quản lý nhà nước đối với loại phương tiện đặc biệt này nếu đưa ra sử dụng... Song, ông Hòa nói "dám chắc 100% sẽ thành công".
Ngày 26.8, ông Trần Thế Dũng - Phó giám đốc Sở KHCN Thái Bình - cho biết, ông cũng mới nghe thông tin về việc ông Hòa đóng tàu ngầm. Theo ông Dũng, ông Hòa chưa có đơn đề nghị sở thẩm định về mặt công nghệ, trong khi đó, theo quy định, khi có đơn đề nghị của các cơ quan, các đơn vị hoặc cá nhân thì sở mới có thể xuống thẩm định.
"Hiện sở đang giám sát và theo dõi về việc Cty sản xuất tàu ngầm. Nếu tàu đưa ra thử nghiệm thì chúng tôi sẽ xuống kiểm tra. Lúc đấy sẽ kết hợp cùng Sở LĐTBXH thẩm định về vấn đề an toàn, cũng như kiểm tra đăng ký ngành nghề kinh doanh xem Cty có được sản xuất mặt hàng này không" - ông Dũng nói.
Vị phó giám đốc Sở KHCN cho biết thêm, các đơn vị được tự do kinh doanh những gì không gây hại cho xã hội; còn nếu ảnh hưởng đến an toàn tính mạng thì phải dừng, song "bây giờ chưa rõ ràng, nếu xông vào ngăn chặn thì sẽ vướng" - ông Dũng nói. Tuy vậy, ông Dũng cũng bày tỏ ông trân trọng ý tưởng này của ông Hòa.
"Chẳng ai đồng ý cả". Đó là lời khẳng định của ông Hòa khi được hỏi về việc mọi người có ủng hộ việc đóng tàu ngầm của ông không. "Các con tôi cũng phản đối. Chẳng ai đồng ý cả vì tính chất nguy hiểm của nó, nhưng tôi vẫn làm theo ý tưởng của mình" - ông Hòa nói.
Theo LĐO