Thời gian thông quan của Việt Nam vẫn tương đối dài với 28% là do hải quan còn lại do thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

 


Tại buổi họp báo, một trong những vấn đề nóng được báo chí quan tâm là Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương về nhập khẩu ô tô đã hết hiệu lực từ 1/7, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản thay thế, điều này gây khó khăn như thế nào đến hoạt động nhập khẩu ô tô?

Đại diện Cục Giám sát quản lý - Tổng cục Hải quan cho biết, cho đến thời điểm này, bên hải quan vẫn phải thực hiện thủ tục thông quan theo Thông tư 20, vì chưa có văn bản nào khẳng định hết hiệu lực. Thông tin ách tắc tại cửa khẩu và khó khăn cho doanh nghiệp là không chính xác. Theo thống kê, riêng trong tháng 7 vẫn có khoảng 5.000 ô tô nhập khẩu theo Thông tư 20 qua cửa khẩu Việt Nam làm thủ tục bình thường.

Về tình hình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu nói chung, ông Ngô Minh Hải- Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý cho biết, hiện nay, thời gian thông quan của Việt Nam vẫn tương đối dài. Trong đó, 28% là do hải quan còn lại do thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến ngày 30/6/2016 có hơn 340 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Kiểm tra chuyên ngành hiện còn phức tạp, phạm vi rộng và thiếu thống nhất khiến thời gian phải giải quyết thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu kéo dài. Mặc dù đã đưa vào 10 địa điểm kiểm tra chuyên ngành tại 8 địa bàn có lưu lượng hàng hóa lớn nhưng vẫn còn nhiều bất cập.

“Nhiều cơ quan kiểm tra chuyên ngành thực hiện thủ tục chủ yếu bằng phương thức thủ công, dẫn đến kiểm tra nhiều, trùng lặp. Kết quả kiểm tra nhiều lần, nhiều lô nhưng phát hiện vi phạm rất ít. Hiệu quả địa điểm kiểm tra chuyên ngành có vấn đề. Chẳng hạn, địa điểm kiểm tra chuyên ngành ở Sân bay Nội Bài rất vắng. Nhiều địa điểm thiếu máy móc kiểm tra. Nhiều mặt hàng muốn kiểm tra, nhưng không có đại diện của bên kiểm tra chuyên ngành”, ông Ngô Minh Hải cho biết.

Trong Nghị quyết 19 của Chính phủ đặt mục tiêu giảm kiểm tra chuyên ngành xuống còn 15% trong năm 2016. Tuy nhiên, đến thời điểm này, kiểm tra chuyên ngành vẫn ở vẫn ở mức 35%, cho thấy còn nhiều việc phải làm để gỡ khó cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Để thực hiện mục tiêu này, Tổng cục Hải quan phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành rà soát, chuẩn hóa mã HS đối với danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành. Kiến nghị các bộ, ngành sửa đổi bổ sung các điều kiện để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp giảm chi phí, rút ngắn thời gian thông quan. Nâng cao  chất lượng và hiệu quả hoạt động của các địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung ở các cửa khẩu trong thông quan.

“Thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ chỉ tiêu đặt ra xuống 15% là một vấn đề lớn. Chính phủ đang rất quan tâm làm sao giảm được thời gian thông quan. Số lượng mặt hàng kiểm tra chất lượng vẫn cao, an toàn thực phẩm 5-6%. Kiểm dịch 7-8%. Cần quyết liệt thực hiện yêu cầu của Chính phủ, rà soát lại danh mục phải kiểm tra. Phải cải cách toàn diện kiểm tra chuyên ngành, đạt chỉ tiêu tạo thuận lợi thông quan hàng hóa. Nếu không có chuyển biến căn bản về thể chế, công tác kiểm tra chuyên ngành khó có thể thực hiện được mục tiêu đề ra”, ông Hải chỉ rõ./.
 

Theo VOV

.