Tại huyện vùng cao Đức Trọng (Lâm Đồng) các doanh nghiệp, hộ dân sử dụng điện sản xuất trên địa bàn đã đồng hành cùng ngành điện địa phương thực thi việc tiết kiệm điện.
 


Sáng tạo, đổi mới để tiết kiệm

Công ty TNHH Hùng Vinh (thôn Phú An, xã Phú Hội), một doanh nghiệp chuyên chế biến gỗ có những cách làm sáng tạo, vừa tiết kiệm năng lượng, vừa đảm bảo được môi trường làm việc sạch, đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Công ty đã nghiên cứu “máy tạo nhiệt”, tận dụng lượng gỗ phế phẩm trong quá trình chế biến để đốt, tạo nhiệt cho lò sấy gỗ. Trong trường hợp nhiệt độ cao quá mức cho phép (75ºc), hệ thống sẽ đưa lượng nhiệt thừa vào lại máy để tái tạo mà không gây lãng phí.

Ông Hoàng Văn Cường - Giám đốc Công ty Hùng Vinh cho biết, với hệ thống tạo nhiệt này, mỗi tháng công ty giảm được một lượng điện tiêu thụ đáng kể và trung bình một năm tiết kiệm được trên 60 triệu đồng tiền điện. Công ty Hùng Vinh còn lắp đặt hệ thống hút bụi với 40 mã lực, thu gom toàn bộ lượng bụi, mùn cưa thải ra. Mỗi ngày, hệ thống hút khoảng 300 kg bụi mùn cưa và những phế phẩm này được đưa vào máy tạo nhiệt cho gỗ sấy.

Là doanh nghiệp chuyên chế biến nông sản sấy khô, đông lạnh…hầu hết các công đoạn từ sơ chế, chế biến đến đóng gói đều sử dụng điện, trong đó hệ thống từ cấp đông đến sấy khô của nhà máy đều được tự động hóa nên Công ty CP chế biến thực phẩm Đà Lạt Tự Nhiên (thôn Phú Trung, xã Phú Hội) luôn ý thức về việc tiết kiệm để nâng cao sức cạnh tranh. Giám đốc Công ty, ông Nguyễn Văn Anh cho biết toàn bộ hệ thống chiếu sáng ở doanh nghiệp này đều sử dụng đèn compact để giảm lượng điện tiêu thụ. Bên cạnh đó, công ty còn tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời từ những của sổ đến các vật liệu tạo độ sáng.

Công ty cổ phần Tân Phát (Ninh Gia, Đức Trọng), doanh nghiệp chuyên sản xuất áo đi mưa, cũng đã quyết định sử dụng hệ thống đèn LED 2W thay cho đèn huỳnh quang 40W. Theo đó, từ hơn một năm trước công ty đã chuyển đổi sang sử dụng 230 bộ đèn LED chiếu sáng thay thế cho 280 bộ đèn huỳnh quang 40W. Việc chuyển đổi đã giúp công ty giảm khoảng 40 triệu đồng tiền điện mỗi năm. Không riêng các nhà máy, xí nghiệp, hiện một số nhà vườn trồng hoa lan trên địa bàn Đức Trọng cũng sử dụng đèn LED để chiếu sáng.

Đồng hành tiết kiệm điện

“Hầu hết doanh nghiệp đều nhận thấy việc tiết kiệm năng lượng nói chung là xu thế để phát triển bền vững” – ông Nguyễn Văn Anh nói. Ông còn cho biết, ngoài những giải pháp đã và đang áp dụng, Công ty CP chế biến thực phẩm Đà Lạt Tự Nhiên vẫn đang tiếp tục nghiên cứu các công đoạn sản xuất để làm sao cho các tiểu tiết trong qui trình phải tiết kiệm điện ở mức tối đa. Ông Hoàng Văn Cường cũng chia sẻ vẫn đang tiếp tục tìm tòi, trao đổi kinh nghiệm để ngày càng hoàn thiện dây chuyền sản xuất vừa tiết kiệm tối đa lượng điện tiêu thụ, vừa tạo cho môi trường trong lành trong nhà xưởng.

Theo ông Vũ Thế Kỷ - Giám đốc Điện lực Đức Trọng (Công ty Điện lực Lâm Đồng), nhờ công tác phối hợp với các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn cùng với sự góp sức của toàn thể cán bộ công nhân viên ngành điện sở tại nên chương trình tiết kiệm điện trở thành một điểm nhấn, mang dấu ấn riêng của đơn vị. “Từ hộ gia đình, doanh nghiệp đến các trường học đều bắt nhịp và cùng tiết kiệm điện”- ông Kỷ nói, đồng thời cho biết: Tính trong 10 tháng đầu năm 2013, toàn địa bàn huyện Đức Trọng đã tiết kiệm được 1,4% trên tổng số 96.713.716 kWh điện thương phẩm.

Bà Huỳnh Thị Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng cho biết trên địa bàn huyện hiện có rất nhiều doanh nghiệp thực hiện tốt việc tiết kiệm điện. Trong đó, trên 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng các hình thức tiết kiệm điện. Từ các nhà hàng, khách sạn cho đến các doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ, chế biến cà phê hay các hộ chuyên canh nông nghiệp đều áp dụng các hình thức, biện pháp để tiết kiệm điện. “Làm được điều này là nhờ vào sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành điện với các ban ngành, đoàn thể địa phương. Ngoài công tác truyền thông, chúng tôi còn đẩy mạnh việc trao đổi mô hình, học tập và nhân rộng các điển hình trong công tác tiết kiệm điện” - bà Phúc đánh giá.
 

Theo Tiền phong

.