Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất, lắp ráp ô tô với những kế hoạch táo bạo nhằm nâng tỷ lệ nội địa hóa, gia tăng sản xuất tại Việt Nam để đứng vững trước làn sóng xe nhập khẩu từ ASEAN có thuế suất 0% từ năm 2018.
Doanh nghiệp nỗ lực mới chỉ là điều kiện cần
Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công (Thành Công) cho hay đã trao đổi với Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Trường Hải) và hai bên đồng thuận sẽ tiến tới dùng chung một số linh kiện mà bên kia sản xuất được. Theo ông Đức, công nghiệp phụ trợ sẽ không phát triển được nếu không có dung lượng thị trường đủ lớn để hạ giá thành. Bởi vậy, việc Trường Hải và Thành Công có những dòng xe chung chủ sở hữu là Tập đoàn Hyundai nên có nhiều linh kiện có thể dùng chung được xem là điều kiện cần để kế hoạch tỷ lệ nội địa hóa đạt 40% (ở dòng xe con) có thể sẽ về đích sớm hơn hai năm so với mốc dự định là năm 2021.
Dẫu vậy, điều kiện đủ để tạo ra cú hích cho câu chuyện này còn nằm ở các chính sách liên quan nhằm tạo thị trường đủ lớn và thúc đẩy gắn kết các nhà sản xuất lắp ráp với các công ty sản xuất phụ trợ. Khi thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về 0% vào năm 2018, những thương hiệu chưa có trung tâm sản xuất ở khu vực phải đưa ra quyết định tiếp tục sản xuất tại Việt Nam hay chuyển sang những nước ASEAN khác cũng đang có cơ sở sản xuất của họ. Với thực tế Việt Nam là thị trường được đánh giá là tiềm năng nhất trong ASEAN trong khi thị trường ô tô tại Thái Lan và Ma-lai-xi-a đã bão hòa, việc có đối sách cho thị trường Việt Nam cũng được các thương hiệu nổi tiếng thế giới tính đến.
Ông Lê Ngọc Đức chia sẻ: Thành Công và Trường Hải có chiến lược đầu tư tương đồng tại Việt Nam bởi đều là người Việt, có niềm tự hào dân tộc, có khát khao mong muốn duy trì ngành công nghiệp ô tô trong nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động trong nước đồng thời giảm nhập siêu, dù không dễ. Cách tiếp cận thị trường của chúng tôi có điểm tương đồng với mục tiêu tạo dựng thị trường, thị phần để làm tiền đề đàm phán, mời chào các nhà sản xuất ô tô chưa có trung tâm sản xuất tại khu vực, để từ công nghệ chuyển giao của họ từng bước phân phối, lắp ráp, sản xuất. Thực tế, chúng tôi đã tạo dựng được niềm tin của thị trường và đối tác để cùng sát cánh đầu tư, chuyển giao công nghệ để mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, cần phải nhìn thẳng vào thực tế, công nghiệp ô tô chỉ phát triển được khi có sự ủng hộ của Chính phủ, thông qua các chính sách cụ thể. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, nhiều quốc gia đang tìm cách bảo hộ cho sản xuất trong nước bằng nhiều cách.
|
Công nhân Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải làm việc trên dây chuyền. |
Chính sách là điều kiện đủ
Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nêu rõ, kinh tế tư nhân "là một động lực quan trọng" để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Việc tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm, hay khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu cũng là những nội dung quan trọng được đề cập trong nghị quyết về khu vực kinh tế tư nhân.
Bởi vậy, câu chuyện Trường Hải và Thành Công-hai doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang chiếm vị trí số 1 và số 3 về doanh số bán hàng trong ngành ô tô tại Việt Nam-có khát khao nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, gia tăng sản xuất ở Việt Nam và nỗ lực tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu của một số tên tuổi lớn trong ngành ô tô thế giới là Mazda (Nhật Bản) và Hyundai-Kia (Hàn Quốc) cần được nhìn nhận khách quan để có những chính sách phù hợp.
Năm 2016, Trường Hải đã bán được 112.874 xe, đạt doanh thu 65.000 tỷ đồng. Với tỷ lệ nội địa hóa của xe con đạt được bình quân từ 15-18% và xe thương mại là 50%, trị giá nội địa hóa mà Trường Hải đạt được do sử dụng các linh, phụ kiện sản xuất tại Việt Nam vào khoảng 15.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 650 triệu USD). Dĩ nhiên, nếu Trường Hải không cố gắng nội địa hóa sản xuất tại Việt Nam, 15.000 tỷ đồng này sẽ được nhập khẩu, tạo nguồn thu cũng như công ăn việc làm cho lao động của các nước khác, chưa kể phải lo ngoại tệ để nhập khẩu.
Ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương cũng thừa nhận, dù Việt Nam có không ít sản phẩm tốt, song để đứng được vào chuỗi sản xuất toàn cầu không phải là chuyện dễ, vì đa số các cuộc chơi đều do người đứng đầu chuỗi quyết định.
Ông Lê Ngọc Đức cho hay, khi sang Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, ông đều nghe những câu chuyện tương tự. “Cách làm của họ thông thường là điều tiết thuế nội địa và hỗ trợ hợp lý công ty nội. Các nước đều khôn ngoan để không giẫm lên vạch đỏ các cam kết quốc tế, nhưng luôn đi giữa các khoảng hẹp hở đó để hỗ trợ doanh nghiệp nước mình phát triển. Chúng tôi đã đàm phán ròng rã cả năm trời để doanh nghiệp Việt Nam tham gia được chuỗi sản xuất. Tuy nhiên, nếu không có những chính sách hợp lý, bảo vệ sản xuất trong nước kịp thời từ phía các cơ quan Chính phủ để doanh nghiệp Việt bật lên thì rất khó trụ vững trước cơn lốc nhập khẩu từ chính các nước ASEAN, khi từ năm 2018 thuế nhập khẩu ô tô bằng 0%", ông Đức cho biết.
Theo Văn Yên/Pháp luật plus