Với gần 47.000 lao động, Khu công nghiệp (KCN) Tân Hương đã góp phần lớn trong việc tạo công ăn việc làm cho lao động của tỉnh. Tuy nhiên, có thực tế là các doanh nghiệp (DN) trong KCN này rất hạn chế nhận lao động nam, nhất là những người dân địa phương, cụ thể là địa bàn xã Tân Hương và các xã lân cận.

 

Ông Dương Bảo Toàn, Chủ tịch UBND xã Tân Hương (huyện Châu Thành) cho biết, xã cũng rất bức xúc về vấn đề này và đã đề nghị về huyện có ý kiến với tỉnh nhằm góp phần thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, giải quyết việc làm cho số thanh niên xuất ngũ trở về.

Theo ông Toàn, nguyên nhân có thể là xuất phát từ những cuộc ngừng việc tập thể trước đây của công nhân ở vài DN trong KCN Tân Hương, trong đó công nhân nam là người cầm đầu, manh động, nên các DN có thành kiến; Hiện có một quy định bất thành văn là nếu DN có nhu cầu, chỉ nhận nam ở những nơi xa, chớ không nhận người của xã Tân Hương.

Trong buổi làm việc với Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với huyện Châu Thành, ông Phạm Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Châu Thành cũng đã phản ánh về vấn đề này và kiến nghị tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan rà soát và có ý kiến.

Theo Ban Quản lý các KCN Tiền Giang, tính đến hết tháng 6-2014, KCN Tân Hương đã thu hút 46.186 lao động, với số lao động nữ là 39.433 người. Trong đó, những DN với ngành nghề may gia công thì số lượng lao động nữ chiếm đa số, cụ thể: Công ty TNHH Freeview có 11.490 lao động nữ/12.863 lao động; Công ty TNHH Quảng Việt có 3.244 nữ/3.990 lao động; Công ty TNHH Simone có 8.584 nữ/9.900 lao động, Công ty TNHH Hansae có 3.521 nữ/3.873 lao động, Công ty TNHH Dụ Đức có 6.837 nữ/8.100 lao động, Công ty TNHH Texgiang có 750 nữ/1.178 lao động.

Trong khi những công ty thuộc các ngành nghề khác thì lao động nam lại chiếm đa số, cụ thể: Công ty TNHH Tongwei Việt Nam chỉ có 38 lao động nữ/308 lao động; Công ty TNHH Carrgil chỉ có 3 lao động nữ/29 lao động; Công ty TNHH Bao bì quốc tế Thuận Phong 45 lao động nữ/175 lao động; Công ty Nhựa Việt Hoa có 52 lao động nữ/137 lao động…

Ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN Tiền Giang cho biết, việc DN trong KCN Tân Hương ít nhận lao động nam không hẳn xuất phát từ những vụ ngừng việc tập thể trước đây, mà chủ yếu là do nhu cầu lao động của DN, bởi KCN Tân Hương thu hút các DN gia công may mặc nhiều, nên công việc đòi hỏi lao động nữ nhiều hơn; vẫn có những công ty chỉ thu lao động nam là chủ yếu;

Tuy nhiên đây là những ngành không sử dụng lao động phổ thông nhiều nên ít thu lao động nam; về vấn đề tuyển dụng này cũng khó có ý kiến can thiệp với các DN.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đa số các DN trong KCN Tân Hương đều cho rằng, chỉ tuyển lao động theo yêu cầu công việc, chứ không có thành kiến với lao động nam ở địa phương. Anh Chế Trường Lâm, Phòng Nhân sự Công ty TNHH Count Vina cho biết, công việc của công ty là may nên cần sự tỉ mỉ của nữ hơn, vì thế ít tuyển nam công nhân.

Chị Nguyễn Thị Liên, phụ trách nhân sự Công ty TNHH Hansae cũng cho biết, công ty vẫn tuyển dụng lao động nam nhưng rất ít bởi nhu cầu công việc không cần. Trong khi đó, đại diện cho Phòng nhân sự của Công ty TNHH Tongwei Việt Nam, Công ty TNHH Carrgil Việt Nam thì cho biết, công ty chỉ tuyển nam là chủ yếu, bởi công việc ở đây nặng nhọc đòi hỏi có sức khỏe, tuy nhiên do dây chuyền tự động nhiều nên không cần nhiều lao động phổ thông, chứ không có sự phân biệt nào trong việc tuyển dụng.

 

Theo Báo Ấp Bắc

.