Nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, ước mơ có được các thương hiệu nội địa xứng tầm khu vực hay toàn cầu là chính đáng. Nhưng trước thực trạng nhiều thương hiệu ngoại đang lấn sân chiếm lĩnh thị trường, đè ép các doanh nghiệp Việt, thì tham vọng này dường như vẫn là chuyện của tương lai.

 

Nhắc tới ngành bánh kẹo trong nước, nhiều người từng kỳ vọng và liên tưởng ngay đến thương hiệu Kinh Đô - một trong những doanh nghiệp Việt khá thành công trên thương trường. Nhưng việc thương hiệu Kinh Đô đang dần bị mai một và thậm chí có nguy cơ biến mất sau khi doanh nghiệp này quyết định bán 80% mảng bánh kẹo cho đại gia Mondelez International (Mỹ) với giá trị gần 7.846 tỷ đồng (khoảng 370 triệu USD) cách đây không lâu là thực tế đáng buồn đang xảy ra.

Thương vụ này từng được nhận định là giao dịch lớn nhất trong lịch sử ngành bánh kẹo Việt Nam và dự kiến hoàn tất vào quý II/2015. Nhưng Mondelez International vẫn chưa dừng tại đây vì 20% cổ phần Kinh Đô còn lại vẫn đang được thương thảo để đại gia ngoại quốc này tiếp tục chiếm hữu sớm nhất trong vòng 12 tháng sau khi thương vụ đầu được hoàn tất. Như vậy, số phận mảng bánh kẹo vốn dĩ là thế mạnh nhất của Kinh Đô đã được định đoạt.

Công bằng mà nói, việc bán đi mảng bánh kẹo cũng hợp lý nếu thuận mua vừa bán, nghĩa là giá trị thương vụ đã mang lại khoản lãi lớn cho Kinh Đô sau hơn 21 năm xây dựng và phát triển. Tất nhiên, ông chủ mới Mondelez International sẽ có toàn quyền định đoạt về chiến lược sản xuất kinh doanh mảng bánh kẹo dù vào thời điểm bán (tháng 8/2014), ban lãnh đạo Kinh Đô vẫn khẳng định, thương hiệu bánh kẹo Kinh Đô vẫn được bảo toàn trong dài hạn.

Theo nguồn tin đáng tin cậy của Báo Người Tiêu Dùng, ông chủ mới đang dần tách mảng bánh kẹo ra khỏi Kinh Đô bằng cách chia tách văn phòng và phân loại lại các bộ phận cốt lõi. Đáng chú ý, Mondelez International mới đây đã đấu thầu để chọn ra một đơn vị mới chuyên phân phối sản phẩm bánh kẹo tại khu vực TP.HCM theo chiến lược phân phối khác với trước đây của Kinh Đô nhằm mục tiêu tăng doanh thu, giảm chi phí. Những diễn biến này cũng cho thấy, tương lai thương hiệu bánh kẹo Kinh Đô chưa biết sẽ đi về đâu và rõ ràng một trong những thương hiệu bánh kẹo Việt hàng đầu đã bị nhà đầu tư ngoại thâu tóm gần như hoàn toàn.

Mới đây, thông tin thương hiệu Vinacafe Biên Hòa đang dần bị thâu tóm bởi các công ty Trung Quốc cũng đang được lan truyền với tốc độ khá nhanh. Cần nhắc lại, tháng 12/2013, Vinacafe Biên Hòa từng bán 62 triệu cổ phiếu (23,36% vốn điều lệ) cho Gaoling là quỹ đầu tư thuộc sở hữu của một nhà đầu tư ở Trung Quốc. Ngoài ra, YHG Investment - một quỹ đầu tư khác của Trung Quốc cũng đã mua 300.000 cổ phiếu Vinacafe. Cùng với 53,2% cổ phần đã được Masan Consumer mua trước đó, Vinacafe chỉ còn sở hữu 12,8% cổ phần tại Vinacafe Biên Hòa. Hiện Masan Consumer đang có những động thái dần rút khỏi Vinacafe Biên Hòa bằng cách bán lại cổ phần cho đối tác khác, nên khả năng khối ngoại gia tăng sở hữu tại đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai.

Câu chuyện bên lề đặt ra là nhiều thương hiệu mạnh của Việt Nam đang dần bị lép vế trên sân nhà. Vậy các doanh nghiệp nước ngoài lấn sân vào thị trường nội địa đang mang đến những lợi ích gì cho đất nước chúng ta.

Trước hết, việc gần đây Bộ Tài chính “chỉ mặt điểm tên” hành vi chuyển giá đối với Metro tại Việt Nam và buộc truy thu thuế lên tới hàng trăm tỷ đồng cho thấy, không ít thương hiệu ngoại với quy mô hoạt động toàn cầu đang lợi dụng kẽ hở luật pháp Việt Nam để trốn thuế và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài trong thời gian khá dài. Bức tranh mỹ miều về “nhà đầu tư nước ngoài” đã bị bóc trần bằng hàng loạt đại gia dính nghi án chuyển giá, gian lận thuế như Coca Cola, Pepsi, Metro, Nike, Adidas, Nestlé... Tất nhiên, chúng ta không thể phủ nhận vai trò đóng góp của khối doanh nghiệp liên doanh hay FDI trong suốt những thập niên qua cho nền kinh tế Việt Nam là vô cùng to lớn và rất đáng trân trọng. Nhưng ngược lại, không ít “con sâu làm rầu nồi canh”, không ít đại gia ngoại cũng đã và đang thực sự làm giàu trên mồ hôi công sức của hàng triệu người lao động và người tiêu dùng Việt Nam. Nhiều người giật mình nhìn các doanh nghiệp kiểu như Coca Cola - ngoài việc tạo ra loại nước giải khát có phẩm màu, đang đem lại lợi ích gì cho người tiêu dùng Việt. Nếu vắng Coca Cola, chúng ta sẽ mất mát điều gì, hay thực tế ngược lại, vắng đi một doanh nghiệp công khai thua lỗ triền miên như Coca Cola thì chúng ta chẳng mất mát gì !?

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp kiểu như Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng - có cổ đông là doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) được hưởng nhiều lợi ích từ phần góp vốn của IPC (công ty có 100% vốn trực thuộc UBND TP.HCM), luôn tỏ ra hỗ trợ cho TP.HCM phát triển đô thị lại bị “bóc trần” mặt trái khác: sự thật về việc chiếm dụng tiền cổ tức trong nhiều năm lên đến hàng ngàn tỷ đồng, mà lẽ ra đại gia này phải trả lại cho ngân sách TP.HCM. Câu chuyện có hay không sự khó khăn trong hoạt động tại đô thị Phú Mỹ Hưng thì nhiều người biết, giới bất động sản TP.HCM nói riêng và cả nước đều biết. Đó là chưa kể nhiều khách hàng đang thắc mắc về chi phí quỹ bảo trì các căn hộ chung cư tồn tại ở Phú Mỹ Hưng đã lên đến con số hàng trăm, ngàn tỷ đồng, những số tiền này đang “nằm” ở đâu?

Thực tế chúng ta đang “buồn” và “đau”.

“Buồn” vì ước mơ các thương hiệu Việt có tầm cỡ xuất hiện vẫn chưa thành hiện thực. Những thương hiệu Việt kiểu như điện thoại di động Bphone của BKAV vừa ra đời đã bị “dìm hàng”, không được ủng hộ trên sân nhà.

“Đau” vì một số doanh nghiệp ngoại quốc lại đang thu lợi nhiều ngàn tỷ đồng từ quỹ đất, mồ hôi, nước mắt và cả sự hy sinh của nhiều thế hệ người dân, khách hàng Việt Nam. Đáng lẽ, các doanh nghiệp ngoại quốc phải tiên phong tuân thủ thể chế luật pháp, phải đóng thuế và tái đầu tư lại cho đất nước này như một sự tôn trọng, hành xử có văn hóa. Nhưng thực tế, họ đang làm điều ngược lại.

Đã đến lúc Nhà nước cần tiếp tục có những chính sách cụ thể để bảo hộ ở mức độ phù hợp đối với các doanh nghiệp trong nước. Và Nhà nước cũng cần công bằng, khi bắt bỏ tù những doanh nhân Việt trốn thuế, thì cũng cần truy tới tận cùng việc xử lý những doanh nhân nước ngoài đang giở chiêu trò khôn lỏi và vi phạm luật pháp Việt Nam.

 

Theo Người tiêu dùng

.