Với tiềm năng của thị trường trên 90 triệu dân, không khó hiểu khi Mobifone mới đây cũng công bố chính thức đặt chân vào “miếng bánh” bán lẻ thiết bị di động. Tuy nhiên, sau 1 tháng triển khai, đơn vị này cho thấy đang tồn tại nhiều vấn đề trong khâu chuẩn bị và chiến lược phát triển toàn diện.
Vậy “Đơn vị này sẽ dùng chuỗi bán lẻ để thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông hay dùng những khuyến mãi của nhà mạng để thu hút khách hàng mua sản phẩm di động?”.
Nhìn lại các phân khúc đối thủ trên thị trường, ông Tuấn Anh cho biết Mobifone đang phải cạnh tranh với 3 đối tượng chính là các cửa hàng bán thiết bị di động có bảo hành chính hãng; cửa hàng bán thiết bị nhập khẩu (bảo hành tại cửa hàng bán) và những cửa hàng bán điện thoại nhỏ lẻ rải rác ở từng địa phương.
“Theo tôi, cửa hàng bán lẻ của Mobifone đang thua tất cả những đối thủ trên”, ông Tuấn Anh nhận định.
Đối với các cửa hàng bán thiết bị di động có bảo hành chính hãng như Thế Giới Di Động, FPT Shop, Viễn Thông A…, Mobifone đang thua về mức độ nhận dạng thương hiệu, tính thuận tiện cho khách hàng (các công ty trên hiện đang có từ 200-500 cửa hàng) và mức độ phong phú của sản phẩm được bán. Theo như khảo sát của phóng viên trên website m360.vn, Mobifone đang bày bán khoảng 50 mẫu điện thoại và 20 mẫu phụ kiện, một con số quá nhỏ so với gần vài trăm mẫu điện thoại đang được bày bán trên website thegioididong.com.
Đối với những cửa hàng phân phối điện thoại nhập khẩu như CellphoneS, didongthongminh…, Mobifone khó lòng cạnh tranh khi giá bán những mẫu điện thoại tại đơn vị này thường thấp hơn sản phẩm cùng loại của Mobifone từ vài trăm ngàn cho đến vài triệu đồng.
So sánh với những cửa hàng bán điện thoại nhỏ lẻ, ông Tuấn Anh cho rằng, đây không phải là đối tượng Mobifone cần cạnh tranh khi những đơn vị này đa phần bán điện thoại có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, hoặc đã qua sử dụng với mức giá thấp dành cho người có thu nhập thấp.
“Trên cả 3 mặt trận chính, Mobifone cho thấy sự thua kém ở tất cả các đối thủ và nguyên nhân chính vẫn là selling point thiếu rõ ràng”, ông Tuấn Anh cho biết.
Mobifone nên làm gì?
Mobifone hiện nắm thị phần 18% trong tổng số 121 triệu thuê bao di động trên cả nước (theo số liệu thống kê của Bộ TT-TT công bố vào tháng 5/2015).
Theo đó, ông Vũ Tuấn Anh cho rằng đơn vị này đang có nhiều lợi thế khi đã tạo được niềm tin và có chỗ đứng khá vững chắc trên thương trường và Mobifone nên đồng thời khai thác các khách hàng nội tại và những khách hàng mới bằng những chương trình khuyến mãi đặc biệt hơn thời điểm hiện tại.
“Người tiêu dùng Việt Nam vẫn thích “tiền tươi - thóc thật”. Do đó, những khuyến mãi của Mobifone hiện chưa thật sự thu hút. Thay vào đó, tôi cho rằng Mobifone nên có những chương trình giảm giá mua điện thoại đối với khách hàng đang sử dụng dịch vụ với mức giảm giá tùy theo hóa đơn sử dụng hàng tháng của khách hàng”, ông Tuấn Anh cho biết.
Đối với mức độ phủ sóng cửa hàng của Mobifone, ông Tuấn Anh cho rằng đơn vị này nên tách riêng chuỗi cửa hàng bán lẻ thiết bị di động và dịch vụ viễn thông. “Mobifone có thể phối hợp cùng các trung tâm thương mại lớn như Vincom, Lotte để đẩy nhanh tốc độ thâm nhập thị trường và tạo dựng điểm nhận diện thương hiệu riêng so với những dịch vụ mà đơn vị này đang cung cấp”, ông Tuấn Anh đưa ra một số giải pháp.
Theo NTD