(BVPL) - Đề xuất nhập 100 tàu cũ, 2 trực thăng để hỗ trợ ngư dân bám biển của Công ty cổ phần Đức Khải có nguy cơ “phá sản” hoàn toàn khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Tài chính đã từ chối cho vay 1.350 tỉ đồng với lãi suất 1% theo chính sách ưu đãi của Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

 


Bộ NN&PTNT bác bỏ

Tại buổi làm việc nhằm báo cáo tiến độ thực hiện các văn bản hướng dẫn Nghị định 67/2014/NĐ-CP, ngày 12/8, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Cao Đức Phát và Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đều từ chối nhu cầu vay vốn ưu đãi để phát triển đội tàu của Đức Khải.

Theo ông Trần Xuân Hà, đối tượng áp dụng Nghị định 67 là các tổ chức, cá nhân đang hoạt động thủy sản; tổ chức, cá nhân đặt hàng đóng mới, nâng cấp tàu và các trang thiết bị phục vụ hoạt động khai thác, bảo quản hải sản; tổ chức, cá nhân thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động thủy sản. Các đối tượng này được vay từ 70-95% tổng giá trị đầu tư với lãi suất được ngân sách Nhà nước hỗ trợ từ 3-6%/năm. Như vậy, Nghị định 67 không áp dụng cho trường hợp vay lãi suất thấp để mua tàu đánh cá cũ đánh bắt xa bờ.

Đồng tình với ông Trần Xuân Hà, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, Đức Khải không hề đáp ứng được yêu cầu nào của Nghị định 67.

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT bổ sung ý kiến, các tàu đánh cá mà Công ty Đức Khải xin nhập đã quá cũ, đều được sản xuất trước năm 1985 với các vật liệu khác nhau, hoàn toàn không phù hợp với quy định.

Người dân còn hoài nghi

Đa phần người dân, ngư dân khi biết về dự án đều tỏ ra lo ngại vì các tàu đánh cá đã quá cũ khi sản xuất cách đây gần 30 năm, hiệu quả sử dụng sẽ không cao.

Bà Nguyễn Hoàng Phương, một ngư dân theo dõi thông tin về vụ việc từ đầu, đã bày tỏ quan điểm: “Chúng ta cần mua tàu vỏ thép chứ không mua phế liệu từ nước ngoài! Tàu đi đánh bắt xa bờ, điều chúng tôi cần là tàu chất lượng chứ không phải số lượng bao nhiêu con tàu, mua 100 tàu cũ, kém chất lượng rồi sửa lại có khi chi phí còn hơn đóng mới, chưa kể lại không an toàn”.

Bày tỏ lo ngại về nguy cơ ô nhiễm môi trường, anh Lê Xuân Hiển (ngụ tại Q.9, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi không biết công ty tính toán lợi nhuận của dự án thế nào. Chỉ biết rằng tàu cũ ở các nước phát triển bán ra giá rất rẻ vì chi phí phá hủy, chi phí môi trường ở đó rất lớn. Hy vọng trong dự án này sẽ không có chuyện 100 chiếc tàu thì hết 90 chiếc sẽ được đem ra... bán sắt vụn tại Việt Nam. Tất nhiên lợi nhuận vẫn lớn, nhưng môi trường thì sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, ngành đóng tàu Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, việc nhập tàu cũ là không cần thiết và rất lãng phí.

“Sao các công ty không mua thiết kế của nước ngoài và đóng tàu ngay trong nước? Kinh phí vừa túi tiền, tạo công ăn việc làm và học hỏi thêm về phần thiết kế cho công tác cải tiến sau này” - ông Lê Văn Hoàng, ngư dân ngụ tại Bình Định thắc mắc.

Sau khi được thông tin về quyết định của Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính, ông Nguyễn Thoại Minh, một ngư dân trực tiếp tham gia đánh bắt tại Đà Nẵng, cho biết: “Tôi hoàn toàn đồng ý với phương án của các Bộ, rất sáng suốt. Các công ty có ý tốt như thế tại sao không đóng tại Việt Nam, trong khi chúng ta có xuất khẩu tàu mà các ông đi nhập tàu cũ về”.

Đồng quan điểm với ông Minh, đa số các ngư dân ủng hộ quyết định của Bộ NN&PTNN và mong muốn các doanh nghiệp cần thực hiện đúng chủ trương của Nghị định 67 để các đối tượng phù hợp hơn có nhiều cơ hội được tiếp cận chương trình vay vốn ưu đãi, tiếp tục giúp ngư dân bám biển.
 

Nguyên Quân