Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, thời gian qua ngành công nghiệp chế biến chế tạo (CNCBCT) luôn thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. BR-VT cũng không là ngoại lệ khi lĩnh vực này luôn đứng ở vị trí đầu tiên xét cả về mặt thu hút đầu tư cũng như giá trị sản xuất trong toàn ngành công nghiệp của tỉnh.

 


Nhật Bản đang dẫn đầu

Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, lũy kế đến tháng 11 - 2014, riêng ngành CNCBCT trên cả nước đã thu hút được 9.407 dự án với tổng vốn đăng ký lên tới 138,5 tỷ USD (chiếm 56% tổng vốn FDI đăng ký của cả nước). Quy mô vốn bình quân một dự án của ngành CNCBCT là 14,7 triệu USD, cao hơn quy mô bình quân một dự án FDI của toàn quốc. Tại BR-VT, lâu nay CNCBCT vẫn được coi là thế mạnh của tỉnh và là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong toàn ngành công nghiệp. Đây cũng là lĩnh vực “hút vốn” nhà đầu tư nước ngoài nhiều nhất trong thời gian qua. Tính đến nay, lĩnh vực CNCBCT đã thu hút 148 dự án đầu tư FDI với 10,76 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 49% tổng số dự án và 40% tổng vốn đăng ký). Các dự án CNCBCT chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như sản xuất hải sản, ren, cơ khí chế tạo, thép…

Tính đến cuối năm 2014, có tới 80/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án FDI tại Việt Nam đã đầu tư vào lĩnh vực CNCBCT. Dẫn đầu 80 quốc gia và vùng lãnh thổ này là Nhật Bản, có 1.282 dự án và 30,58 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký, chiếm 22,1% tổng vốn tư đăng ký vào ngành CNCBCT. Tại BR-VT, hiện Nhật Bản đầu tư 20 dự án, với tổng vốn đầu tư 2,3 tỷ USD, đứng thứ 5 trong các quốc gia có vốn đầu tư lớn tại BR-VT. Đã có 15 dự án của nhà đầu tư Nhật Bản đã đi vào hoạt động, với các ngành, nghề kinh doanh như: sản xuất thép, kính công nghiệp, ren và gia công ống dầu khí, may mặc…

Trọng điểm sắp tới là lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ

Theo ông Nguyễn Phước Lễ, Giám đốc Sở KHĐT, thu hút FDI của tỉnh thời gian qua vào nhiều ngành khác nhau, nhưng đóng góp nhiều nhất vào việc cải thiện năng lực sản xuất của ngành công nghiệp, là CNCBCT. Sự góp mặt của các dự án CNCBCT đã tạo ra một số ngành công nghiệp mới có mật độ tập trung cao thúc đẩy phát triển DN ngành chế tác có quy mô lớn, sử dụng công nghệ và trình độ quản lý cao. Đồng thời gắn kết với việc phát triển hệ thống cảng và các KCN, tạo ra sự đa dạng về sản phẩm công nghiệp, trong đó xuất hiện một số sản phẩm mới như: sắt, thép, tháp gió… Bên cạnh đó, đầu tư FDI từng bước đã có tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác, trong đó có việc khơi dậy các nguồn đầu tư trong nước, tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có dự án của một số tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới như: BP, Kyoei Steel, ACDL, SCG, Posco, Nippon, Sojitz, Lotte...

Trên cơ sở đánh giá hiệu quả FDI trên địa bàn thời gian qua, tỉnh xác định trọng điểm thu hút đầu tư trong giai đoạn tới là công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho các ngành công nghiệp mũi nhọn, gồm: cơ khí chế tạo, điện – điện tử, hóa chất… “Để đạt mục tiêu đó, thời gian tới tỉnh tiếp tục thu hút có chọn lọc FDI vào ngành CNCBCT trên cơ sở xem xét lợi thế của từng địa phương”, ông Nguyễn Phước Lễ cho hay.

 

Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

.