Một loạt các công ty dệt may sẽ đua nhau chào sàn trong thời gian tới để đón nhận những cơ hội từ TPP. Tuy nhiên để ngành dệt may thật sự có thể bứt phá, việc trước mắt là cần phải giải quyết cho được những điểm yếu nội tại của ngành này.

 


Ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), nhận định cho dù sắp tới một loạt các đại gia ngành dệt may sẽ chào sàn nhưng số lượng nêu trên vẫn còn rất nhỏ bé so với quy mô khoảng 5.000 doanh nghiệp trong ngành.

Chính vì số lượng cổ phiếu dệt may niêm yết còn ít nên khó có được bức tranh tổng thể về triển vọng của cổ phiếu ngành này. Mặc dù có những thuận lợi khi được hưởng lợi thế thuế quan và hạn ngạch trong TPP, câu chuyện cạnh tranh ngay trên sân nhà, tỷ lệ giá trị gia tăng trong sản phẩm, chất lượng sản phẩm và thương hiệu riêng, yếu tố môi trường… vẫn là những điểm yếu không dễ thay đổi.

Thực tế cho thấy nhiều năm nay, ngành dệt may vẫn hấp dẫn các dòng vốn đầu tư nước ngoài trên cơ sở chi phí rẻ vì đa số doanh nghiệp đều lựa chọn phân khúc thấp nhất trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu là gia công các công đoạn cắt và may. Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tới 70% hoạt động của các doanh nghiệp tập trung vào khâu có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi này. Trong khi đó, các phân khúc khác trong chuỗi cung ứng có giá trị gia tăng lớn gấp nhiều lần như nghiên cứu phát triển, thiết kế, phân phối, xây dựng thương hiệu, thậm chí cả sản xuất nguyên phụ liệu đều được thực hiện ngoài Việt Nam.

Vấn đề nguyên liệu luôn là “bài toán” khó giải cho ngành dệt may Việt Nam. Nguồn vải thời trang trong nước sản xuất rất hiếm, không thể đáp ứng được nhu cầu. Lâu nay do thiếu nguyên liệu nên các doanh nghiệp phải nhập khẩu hoặc mua trôi nổi trên thị trường mới đủ phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Khi vào TPP, các sản phẩm dệt may của Việt Nam phải có tỷ lệ nhất định từ nguyên liệu sợi, nhuộm của Việt Nam hoặc từ các nước tham gia hiệp định. Nếu không đảm bảo thì phải nhập khẩu từ các nước khác, kể cả nước không nằm trong hiệp định, giá thành sẽ rất cao. Như vậy sản phẩm sẽ bị đánh thuế cao chứ không được hưởng thuế suất 0%. Đây là điểm khó nhất mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang gặp phải.

Không chỉ gặp khó về nguồn nguyên liệu mà các khâu liên quan đến dệt, nhuộm vải sợi cũng đang khó khăn khi mà khả năng về vốn, quỹ đất phục vụ cho việc xây dựng đầu tư nhà máy đảm bảo về chất lượng sản phẩm và môi trường đang vượt ngoài sức của nhiều doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước sẽ phải cân đối giữa nhu cầu nội địa và xuất khẩu, bởi không chỉ thuế suất đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam về 0% mà thuế suất đối với nhập khẩu cũng sẽ về 0%. Điều này sẽ tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa mặt hàng dệt may của các nhà sản xuất trong nước và nước ngoài. Hiện tại nước ta vẫn chưa có một thương hiệu dệt may đại diện của quốc gia để đi ra thị trường thế giới.

Nếu lướt qua hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may đang niêm yết, cũng dễ dàng nhận thấy doanh thu, kim ngạch xuất khẩu tuy lớn nhưng lợi nhuận biên nhỏ. Việc gia nhập TPP khiến rào cản thuế quan được dỡ bỏ, nhưng lợi ích phần lớn tập trung vào các công đoạn cao cấp hơn, vốn do đối tác nước ngoài nắm giữ. Chính vì thế “Nếu các doanh nghiệp không có một tầm nhìn chiến lược đầu tư dài hạn, quy mô lớn, thì sẽ rất khó khăn trong việc phát triển và giữ được cái thế đang có trong nước. Đồng thời, cũng sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh nguồn lực quản trị cao cấp đối với các doanh nghiệp FDI”, ông Giang khẳng định.

 

Theo NTD

.