Mục tiêu năm 2015 phải hoàn thành cổ phần hóa 285 doanh nghiệp, nhưng cuối năm vẫn còn khoảng 100 doanh nghiệp chưa thể cổ phần hóa.
Nhiều doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương như Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM), Tổng Công ty Máy và Thiết kế công nghiệp (MIE)… cũng không hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2015. Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính, khó khăn trước hết là do thị trường chứng khoán không thuận lợi. Nhu cầu của các nhà đầu tư không tăng. Trong khi đó cổ phần hóa với số lượng lớn, cung nhiều hơn cầu, nên không hấp thụ được.
“Năm 2015 cổ phần hóa chưa đạt được kế hoạch. Năm nay tập trung cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước lớn, quy mô lớn, tồn tại lớn, khối lượng vốn lớn. Việc xử lý tồn tại phải có thời gian, không dễ. Ngoài ra, một số cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp còn tâm lý e ngại chần chừ, sợ có những vấn đề sau khi cổ phần hóa, vị trí của mình như thế nào, điều này vẫn ảnh hưởng kết quả cổ phần hóa.”
Còn nhiều vướng mắc với cổ phần hóa
Thực tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Chỉ riêng với việc xác định giá trị doanh nghiệp, nhiều khoản đầu tư đã mất từ lâu, nhưng chỉ đến khi cổ phần hóa mới rà soát đến, không rõ trách nhiệm thuộc về ai; Rồi việc xác định giá trị doanh nghiệp, đánh giá tài sản doanh nghiệp, vừa phải đảm bảo theo đúng thị trường, vừa không làm mất vốn nhà nước, khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn trong cổ phần hóa.
Bên cạnh đó, những chậm chễ trong cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan hay những “nút thắt” vướng mắc trong chính sách, quy định cũng là những rào cản đối với tiến độ cổ phần hóa.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam nêu ý kiến: “Có một số điểm mà cơ chế nhà nước cần giải quyết dứt điểm. Như việc xác định giá trị doanh nghiệp. Tăng tài sản cố định hay qua thương hiệu thì dễ xử lý vì cái đó được phân bổ, định giá. Nhưng cái khó nhất là chênh lệch những công ty đã cổ phần lên sàn rồi tại thời điểm xác định giá trị, sàn đang nóng lên, đến khi bàn giao còn 30%.
Nếu không xử lý dứt điểm, không thể phân bổ. Hoặc sáp nhập doanh nghiệp và hoán đổi cổ phiếu nhưng không bán, sửa đổi mô hình, có thể trên sàn chứng khoán tạo ra thặng dư, ngay lập tức Bộ Tài chính bắt nộp thuế thu nhập, nhưng đã bán gì đâu mà thu. Điều này triệt tiêu động lực cổ phần hóa.”
Trong quá trình cổ phần hóa, việc thu hút được nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư nước ngoài là vô cùng khó khăn. Ông Phan Đăng Tuất, Phó trưởng ban, thường trực Ban đổi mới doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương lý giải, một trong những nguyên nhân là tỷ lệ nắm giữ của nhà nước sau cổ phần hóa còn rất lớn, thậm chí đến 80%, nên nhiều nhà đầu tư lo ngại bỏ tiền vào mà không có quyền gì cả.
Trường hợp chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) đối với 3 Tổng công ty có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng là một ví dụ, khi không thu hút được nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư mua số lượng lớn, do tỷ lệ nắm giữ của các nhà nước tại các đơn vị này đều ở mức 98%-99%.
Theo ông Tuất, “ở khía cạnh pháp lý có tỷ lệ cổ phần hóa theo QĐ 37 của Thủ tướng CP, có câu chuyện rất khó trong thực tiễn, nhà đầu tư không sẵn lòng ném 20% vào doanh nghiệp, đưa tiền vào nơi mà hộ không được kiểm soát. Đa số nhà đầu tư được hỏi thì cho rằng trên 51% sẽ mua, dưới là không thích, vì ném tiền vào mà không biết doanh nghiệp tiêu gì. Chúng tôi kiến nghị nới rộng, loại doanh nghiệp mà Chính phủ không cần, thì hạ thấp xuống thì mới cổ phần hóa tốt hơn.”
Vẫn phải tiếp tục lộ trình
Nhận định về kết quả cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước năm 2015, Bộ Tài chính cho biết, về số lượng là không đạt kế hoạch bởi vẫn còn khoảng 10% doanh nghiệp, tương đương 100 doanh nghiệp chưa cổ phần hóa được. Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính, Chính phủ đặt ra con số cụ thể để cố gắng thực hiện, tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là chất lượng cổ phần hóa. Trong thời gian tới vẫn phải tiếp tục tái cơ cấu, nâng cao quản trị doanh nghiệp chưa cổ phần hóa và cả doanh nghiệp sau cổ phần hóa mà Nhà nước nắm vốn.
Về những giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa trong thời gian tới, ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, Nhà nước chỉ giữ lại những doanh nghiệp 100% vốn ở những lĩnh vực an ninh quốc phòng, cung cấp sản phẩm thiết yếu, còn lại sẽ phải tiếp tục tái cơ cấu, thoái vốn, cổ phần hóa.
“Bộ Kế hoạch Đầu tư đã lấy ý kiến của bộ ngành, địa phương và thẩm định Bộ Tư pháp. Tới đây tỷ lệ cổ phần bán sẽ được điều chỉnh theo hướng thu hẹp lại danh mục Nhà nước nắm giữ 100% còn rất ít, chủ yếu viễn thông, an ninh quốc phòng, độc quyền tự nhiên (như EVN với đường truyền dẫn)… Còn lại là đa sở hữu, chỉ có 2 mức là 51% và 65%, bỏ 75%. Các doanh nghiệp này cũng thu hẹp lại. Tới đây các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, mà giữ hơn 90% là không còn nữa, sẽ bán tiếp theo phương án.”
Như vậy, năm 2016, nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn phải gấp rút hoàn thành cổ phần hóa. Cần thiết phải tạo sức ép đối với cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu không đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu, cổ phần hoá. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận cổ phần hoá không phải chỉ để chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, kết thúc ở đăng ký là doanh nghiệp cổ phần, mà là một quá trình bao gồm cả thoái vốn nhà nước, cải thiện quản trị doanh nghiệp…
Bên cạnh việc đảm bảo đúng tiến độ thì còn phải đảm bảo chất lượng doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Có như vậy, cổ phần hóa mới thực sự đạt hiệu quả và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng./.
Theo VOV