Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, được ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) chỉ ra.
Gần 18.000 tỷ đồng đầu tư ngoài ngành
Đến tháng 9-2015, theo số liệu của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp công bố, có 94 doanh nghiệp đã cổ phần hóa trên tổng số 289 doanh nghiệp phải cổ phần hóa trong năm 2015. Ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, tiến độ cổ phần hóa hiện đang rất khẩn trương, con số có thể thay đổi rất nhiều trong thời gian tới.
Từ đầu năm đến nay, các tập đoàn, tổng công ty đã thoái vốn được gần 4.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn gần 18.000 tỷ đồng vốn Nhà nước chưa thoái được, trong đó, thuộc lĩnh vực ngân hàng là 11.000 tỷ đồng, bất động sản có gần 6.000 tỷ đồng.
Đối với khoản đầu tư của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào khu vực ngân hàng, có GPBank, OceanBank được xử lý xong, PVcomBank sẽ tiếp tục được xử lý sớm. Một số khoản khác đang được tiến hành thoái vốn tích cực như đầu tư của Tập đoàn Xăng dầu(Petrolimex) tại PGBank đã có phương án sáp nhập.
Ông Đặng Quyết Tiến chỉ rõ, những khó khăn về cơ chế chính sách đều đã được tháo gỡ, ví dụ như thoái vốn theo giá thị trường thấp hơn giá trị sổ sách, hay thoái vốn theo lô… Chính phủ rất chủ động tạo điều kiện cho doanh nghiệp xử lý trong thẩm quyền của Chính phủ, cùng với đó là yêu cầu các bộ, ngành hoàn thiện thể chế để doanh nghiệp không phải đợi quy định ra mới thực hiện.
Lãnh đạo doanh nghiệp sợ trách nhiệm
Phân tích những nguyên nhân khiến tiến trình cổ phần hóa diễn ra chậm chạp, ông Đặng Quyết Tiến cho biết: “Đầu tiên là do cung lớn hơn cầu, thị trường vốn, các nhà đầu tư còn thiếu, thị trường chứng khoán có hồi phục nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu. Các nhà đầu tư nước ngoài đã vào nhưng mua chưa nhiều bởi vẫn còn e ngại về việc chưa công khai, minh bạch thông tin”.
“Vấn đề quan trọng nhất là minh bạch, công khai rồi nhưng số liệu có chính xác không, có đáng tin cậy không”, ông Đặng Quyết Tiến nhấn mạnh. Để lấy được niềm tin của nhà đầu tư, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 87/NĐ-CP về giám sát tài chính, đánh giá lại nội dung công khai của doanh nghiệp xem có chính xác hay không. Chính phủ cũng đã đưa ra chế tài đối với việc công khai và giám sát.
Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thẳng thắn chỉ ra rằng: “Khó khăn nữa là vấn đề con người, lãnh đạo doanh nghiệp vẫn e ngại, lo sợ mất vị trí, mất quyền. Đối với một số doanh nghiệp có nhiều tồn tại, khi cổ phần hóa, sắp xếp lại, sẽ lộ ra yếu kém gắn với trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp, đặc biệt là trong giai đoạn vừa qua, khi rất nhiều tập đoàn, tổng công ty tham gia đầu tư ngoài ngành và kết quả đầu tư không mang lại hiệu quả. Không chỉ lo mất vị trí, lãnh đạo các doanh nghiệp còn sợ trách nhiệm, đây là vấn đề khó khăn nhất, dẫn tới việc tổ chức thực hiện lình xình theo”, ông Tiến khẳng định.
Tuy nhiên, cũng theo ông Đặng Quyết Tiến, việc hoàn thành kế hoạch không quan trọng bằng chất lượng cổ phần hóa. Mục tiêu đặt ra trước đó là để các bộ, ngành quyết tâm phấn đấu. Cốt lõi là phải thay đổi tư duy lãnh đạo sau cổ phần hóa, có thể phải thay đổi nhân sự, chấp nhận nguyên tắc thị trường, phải đăng ký trên thị trường chứng khoán để thị trường giám sát.
Ông Đặng Quyết Tiến cho biết, trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tham mưu để đưa chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp sau cổ phần hóa nhưng chưa thực hiện quyết toán. Đồng thời, sẽ lên danh sách các đơn vị chậm cổ phần hóa, yêu cầu các đơn vị thấy vướng mắc ở đâu phải báo cáo tới cấp có thẩm quyền để tìm hướng xử lý.
Theo ANTĐ