(BVPL) - Theo các chuyên gia kinh tế, bức tranh chung của doanh nghiệp (DN) năm 2013 là có nhiều màu sắc khi số DN thành lập mới, giải thể, dừng hoạt động đều tăng. Điều này cho thấy, tình hình kinh tế vẫn khó khăn, các DN vẫn chịu sức ép lớn, thị trường chưa thực sự khởi sắc. Những nhân tố này sẽ gây sức ép không nhỏ đến tình hình kinh tế- xã hội, nhất là công tác thu ngân sách năm 2014.
Nhiều chuyển biến tích cực
Đánh giá về hiệu quả những giải pháp xử lý nợ xấu và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại, những giải pháp tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển đã được thực hiện trong năm 2013, TS. Trần Tiến Cường, nguyên Trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương phân tích: mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm mạnh trong năm 2013 là do tác động của điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng, và một phần do cung - cầu về vốn trong tình trạng người cho vay nhiều, người đi vay ít. Hiện nay, mặt bằng lãi suất tiếp tục ổn định. Điều đó mở ra cơ hội cho một bộ phận DN có tình hình tài chính lành mạnh có thể vượt qua giai đoạn đình trệ để phục hồi sản xuất, phát triển kinh doanh do khắc phục được khó khăn về lãi suất vay cao mấy năm trước đây.
Cùng với đó, đến hết năm 2013, VAMC mua khoảng 30-35 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Tốc độ gia tăng nợ xấu đã chậm lại, bình quân trong 9 tháng đầu năm 2013 là 2,2%/tháng, giảm đi so với mức bình quân 3,91%/tháng cùng kỳ năm trước. Tình hình tài chính, thanh khoản của các tổ chức tín dụng được cải thiện, lành mạnh hơn; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (13,7%) cao hơn nhiều so với quy định (9%). Nhờ đó, DN tiếp tục được vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp, chỉ tương đương các năm 2005, 2006.
Ngoài ra, theo Bộ Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ năm 2013 ước đạt 2.617,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ (loại trừ yếu tố giá tăng 5,6%). Điều này cho thấy, dù niềm tin của người tiêu dùng chưa được cải thiện đáng kể, tốc độ tiêu thụ hàng hóa của các DN vẫn ở mức thấp, song đây cũng là những dấu hiệu đáng mừng. Nhóm giải pháp cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh đã bước đầu phát huy tác dụng; cộng hưởng với xu hướng dịch chuyển đầu tư quốc tế, làm tăng tính cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam, đã nâng số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng lên đáng kể...
Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp
Những dấu hiệu trên sẽ là bước đệm niềm tin quan trọng cho DN trong năm 2014. Theo đó, cơ hội lớn nhất cho DN trong năm tới là sự ổn định kinh tế vĩ mô trong nước và xu hướng tăng trưởng của thế giới: lạm phát và CPI duy trì ở mức không cao, trong khi vốn đầu tư đảm bảo, xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng, dự trữ ngoại tệ tăng, an sinh xã hội được cải thiện... Hơn nữa, dòng đầu tư mới, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài dự báo sẽ tăng đáng kể trong năm 2014, tạo động lực quan trọng cho đà phục hồi của DN, mở thêm cơ hội cho các DN Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Thị trường xuất khẩu hứa hẹn sẽ tiếp tục mở rộng khi Việt Nam ký được các Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định TPP. Lãi suất ngân hàng ở mức hợp lý, đảm bảo cho khả năng tiếp cận tín dụng của DN và chi phí vốn đầu tư ở mức cạnh tranh. Tiến trình giải quyết nợ xấu được cải thiện, sẽ tạo cơ hội cho DN khơi thông dòng vốn và mở rộng sản xuất kinh doanh…
Cùng với những cơ hội tăng trưởng, năm 2014, DN vẫn phải tiếp tục giải quyết các vấn đề tồn tại trước đây, cũng như áp lực từ những thách thức trong và ngoài nước.
Cụ thể, ThS. Nguyễn Huy Hoàng -Ban Thông tin Doanh nghiệp và thị trường, Trung tâm Thông tin và dự báo Kinh tế xã hội, Bộ Kế hoạch &Đầu tư cho hay, việc mở cửa thị trường và tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, sức cạnh tranh quốc tế về đầu tư cũng như chi phí sản xuất và giá bán sản phẩm cũng trở nên ngày càng gay gắt.
Năm 2014, giải quyết hàng tồn kho, đảm bảo lưu chuyển dòng tiền, nhằm lấy lại đà tăng trưởng, tiếp tục là thách thức đối với các DN. Vì thế, cần có sự can thiệp của nhà nước thì mới có thể vực dậy thị trường và lành mạnh hóa sản xuất, tránh đổ bể dây chuyền.
Cần sự hỗ trợ quyết liệt từ nhà nước
Những cơ hội và thách thức nêu trên đặt ra yêu cầu cấp thiết cho các DN phải tự điều chỉnh mình, để đón nhận được cơ hội và đối mặt với các thách thức. Đồng thời, tình hình này cũng đặt ra đòi hỏi buộc Chính phủ phải có những giải pháp cấp thiết nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN và phục hồi tăng trưởng bên cạnh các giải pháp dài hạn nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và tạo lập môi trường sản xuất kinh doanh hấp dẫn hơn.
Ths. Nguyễn Huy Hoàng cho rằng, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho DN, bao gồm khó khăn từ thủ tục đầu tư đến triển khai dự án, giải phóng mặt bằng, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa... Chính phủ cần có giải pháp cụ thể, giúp doanh nghiệp chuẩn bị và nâng cao tính cạnh tranh trong môi trường kinh doanh ngày càng cởi mở và tiệm cận với chuẩn mực quốc tế.
Đồng thời, cần ban hành các giải pháp hiệu quả hơn nhằm giải quyết hàng tồn kho nói chung, trong đó ưu tiên số 1 là tồn kho bất động sản, nhằm giải tỏa được khoảng 100.000 tỷ đồng còn đang tồn đọng; đồng thời, tạo sức lan tỏa sang các ngành khác như: sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, máy móc trang thiết bị gia đình... Thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu bằng việc: đưa hàng Việt Nam về các vùng nông thôn, ngăn chặn quyết liệt hàng lậu, hàng giả; song song với việc tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Vấn đề chủ đạo đối với chính sách hỗ trợ DN năm 2014 là hỗ trợ tín dụng bởi dư địa để hạ lãi suất hầu như không còn, cho nên giải quyết nợ xấu để tạo tài sản thế chấp và mở ra các kênh huy động vốn linh hoạt sẽ là con đường để DN tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng.
Các chuyên gia cũng đưa ra nhận xét: Doanh nghiệp nhà nước là thành phần kinh tế chủ đạo, chiếm giữ khoảng hơn 50% nguồn lực đầu tư, trong các ngành nghề, lĩnh vực then chốt, nhưng hiệu quả hoạt động của khu vực này thời gian qua là thấp. Do vậy, nếu không cải tổ và vực dậy khu vực kinh tế đầu tàu này, thì không thể có được một bức tranh sáng sủa của toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam.
Hoàng Trâm