(BVPL) - Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1819 trong tháng 10/2015. Đây chính là văn bản tạo điều kiện để các bộ, ngành, địa phương có thêm cơ sở xây dựng và phê duyệt kế hoạch 5 năm về ứng dụng CNTT.

 


Đẩy mạnh quản trị thông minh

Cục Tin học hóa Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định: Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 so với giai đoạn 2011 – 2015 sẽ góp phần đổi mới quy trình thực hiện các chính sách phát triển. Theo TS. Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa Bộ Thông tin và Truyền thông: Để đẩy mạnh thực hiện chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước giai đoạn 2016 – 2020, các cơ quan Nhà nước ở các địa phương cần đẩy mạnh quản trị thông minh.

Đây là một khái niệm mới khi thực hiện sẽ góp phần đổi mới quy trình ra quyết định thực thi chính sách phát triển nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Ông Phúc nhấn mạnh: “Sự đổi mới này thể hiện ở việc Chính phủ ứng dụng CNTT nhằm 3 mục tiêu: Một là, để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bản thân các cơ quan Nhà nước; Hai là, đảm bảo công khai minh bạch thông tin; Ba là, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và xã hội”.

Ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước đòi hỏi các cơ quan Nhà nước phải có nhân lực, có đủ kinh phí để đầu tư hệ thống hạ tầng, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Điều này đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng còn khó chưa nói đến các đơn vị CNTT ở các thành phố khác. Mặc dù chưa có đầy đủ các văn bản pháp lý hướng dẫn cơ chế cho thuê dịch vụ CNTT, song hiện đã có nhiều doanh nghiệp CNTT tự khắc phục các khó khăn này. Ví dụ như các dự án về giao thông thông minh, y tế điện tử của Tập đoàn FPT, ông Phạm Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT (Tập đoàn FPT) nêu rõ: Chúng tôi rất muốn cùng với khách hàng khai thác tối đa hiệu quả của hệ thống và phương thức cho thuê cũng rất hay vì nó sẽ gắn liền quyền lợi của nhà cung cấp với khách hàng. Chúng tôi luôn phải nỗ lực để làm sao cải thiện hệ thống, làm sao đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng mà mình đang hợp tác cùng các dịch vụ cho thuê.

Quyết định số 80 của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm về thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước đang đem lại nhiều thuận lợi các doanh nghiệp CNTT ở nước ta. Mặc dù các đơn vị đi thuê dịch vụ vẫn còn băn khoăn, chưa dám quyết định nên thuê dịch vụ nào, thuê như thế nào, nhưng đối với các doanh nghiệp cho thuê dịch vụ như FPT, Viettel, VNPT... thì việc cho thuê dịch vụ CNTT sẽ phục vụ các địa phương, các ngành một cách đồng bộ và tạo điều kiện đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, để có thể biết được việc thuê dịch vụ CNTT có đem lại hiệu quả cho cơ quan Nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính hay không thì còn phải quan tâm đến vấn đề an ninh, an toàn thông tin.

Cục Tin học hóa Bộ Thông tin và Truyền thông cũng khẳng định thuê dịch vụ CNTT sẽ là một trong những điều kiện giúp các cơ quan Nhà nước giảm chi phí đầu tư hệ thống CNTT, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp CNTT. Bên cạnh đó, các cơ quan Nhà nước cũng cần đẩy mạnh thực hiện chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước giai đoạn 2016 – 2020.

Doanh nghiệp nhỏ khó cạnh tranh

Tại nhiều địa phương, Sở Thông tin và Truyền thông bước đầu khảo sát nhu cầu thuê dịch vụ CNTT của các cơ quan Nhà nước, cho thấy các địa phương, đơn vị còn gặp khó khăn trong lựa chọn nhà cung cấp và triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ CNTT. Khó khăn về cách thức theo dõi chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, chưa có danh mục chi tiết các hoạt động ứng dụng dịch vụ CNTT phải thuê, chưa có hướng dẫn tiêu chí về tính hiệu quả giữa việc thuê dịch vụ so với đầu tư mua sắm nên có thể xảy ra tình trạng đơn vị thuê dịch vụ đã đầu tư không ít tiền vào hệ thống nhưng lại vẫn đi theo người thuê vì rẻ hơn. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, nếu không có tiền thì không thể thực hiện được việc cho thuê dịch vụ CNTT. Bởi nguồn kinh phí của địa phương không có hoặc rất ít. Trên thực tế, nếu sản phẩm dịch vụ luôn bị thiếu nguồn tài chính để vận hành thì sẽ không thể nào hoàn chỉnh. Nhiều tập đoàn lớn muốn các địa phương thuê dịch vụ CNTT nhưng vì chưa có quy định cụ thể đối với một số chi phí, xác định giá thuê và nguồn kinh phí cho việc thuê dịch vụ CNTT nên các địa phương cũng chưa thể thuê dịch vụ CNTT.

Các đơn vị thuê dịch vụ CNTT luôn lo lắng về việc lộ thông tin, mất dữ liệu nên những doanh nghiệp CNTT không có tên tuổi sẽ khó cạnh tranh được trong thị trường cho thuê này.
 

Khoa Nguyên

.