Xung quanh vụ việc đang được dư luận đặc biệt quan tâm về BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), phóng viên Dân Trí có cuộc trao đổi với ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô TP.Hà Nội và ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam với góc nhìn của người trong cuộc và thụ hưởng con đường BOT.
 
Cần làm rõ ai điều chỉnh hợp đồng sau chỉ định đầu tư
 
Theo ông Liên, vấn đề trạm thu phí BOT đường bộ Cai Lậy (Tiền Giang) một lần nữa được dư luận chú ý khi dân bỏ tiền lẻ để trả tiền thu phí, khiến ách tắc cục bộ. Nhiều người cho rằng, vấn đề này người dân đang làm khó chủ đầu tư, thậm chí không phù hợp, quan điểm của ông thì sao?
 
Tôi cho rằng người dân không vi phạm khi trả tiền lẻ. Đây là tình thế bắt buộc họ phải làm như vậy. Tiền lẻ vẫn là tiền có giá trị lưu thông, đó là tiền thật, chứ không phải là tiền giả. Việc khước từ sẽ sai và việc phản ứng của người dân tôi cho là phù hợp. Ở đây, ai để xảy ra vấn đề này thì cần phải xem xét giải quyết.
 
Vấn đề của BOT Cai Lậy là trạm thu phí được điều chỉnh sau khi cấp phép đầu tư và thu cả phí của những người không đi tuyến tránh do đơn vị đầu tư mới. Điều diễn ra ở Cai Lậy không phải là duy nhất, nó là một trong những dự án điển hình của sự thiếu minh bạch, thiếu thống nhất và coi nhẹ cơ chế kiểm soát của người dân, doanh nghiệp - đối tượng thụ hưởng.
 
Người dân không thể biết anh đầu tư bao nhiêu, anh thu được số tiền như thế nào? Ai giám sát anh thu và chi như thế nào? Đa số các chủ đầu tư hiện nay có hợp đồng vay tín dụng với ngân hàng nhưng các cơ chế lãi suất không được công khai cho dân... Tính minh bạch và bất hợp lý của dự án không có đã khiến bức xúc cho dân.
 
Hiện nay, có chủ trương thu phí 1 dừng, không dừng, đó là áp dụng thẻ từ vào thu phí ở các dự án. Điều này tạo nên sự minh bạch cho dư luận, cho cơ quan quản lý trong quá trình khai thác. Tuy nhiên, các DN hầu hết đều không muốn thực hiện vì bất lợi cho họ.
 
Trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang)
Trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang)
 
Theo ông, việc chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy cho rằng họ sẽ bỏ dự án nếu trạm thu phí BOT Cai Lậy bị chuyển đi, điều này có hợp lý và ai sẽ giải quyết mối mâu thuẫn này?
 
Cơ quan quản lý Nhà nước phải xử lý! Khi cấp phép đầu tư, cải tạo và đặt trạm thu phí, cơ quan Nhà nước đã đồng ý thì việc xử lý trạm này có đúng hay không thì cơ quan quản lý phải vào cuộc. Chúng ta, có quy định hẳn hoi về giới hạn đặt trạm thu phí trong khoảng 70km, nếu cơ quan Nhà nước đồng ý đặt chưa đúng, chủ đầu tư bỏ đi thì Nhà nước phải bỏ tiền bù cho họ.
 
Nhiều tờ báo nói thẳng về trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải, trong đó, Bộ trưởng phải đứng ra giải quyết vấn đề này? Ông nghĩ sao về đề nghị này?
 
Tôi nghĩ chưa hẳn là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) bởi vấn đề ở đây là không phải cá nhân Bộ trưởng đứng ra giải quyết được mà chính là trách nhiệm của cả Bộ, cơ quan ngang bộ tham gia vào, đặc biệt là các cơ quan cấp dưới, người thi hành nhiệm vụ.
 
Nói chung, không phải Bộ GTVT mà nhiều Bộ hiện nay đều đưa ra lý do này, lý do kia. Ở người dân như chúng tôi, nếu người dân có lỗi xử phạt ngay. Nếu Nhà nước thì lại đùn đẩy cho rằng do anh này, anh kia hay tại cơ chế, chế độ chính sách, văn bản này hay văn bản kia, trốn trách nhiệm của mình.
 
Với dự án Cai Lậy, trách nhiệm trước hết là người đứng ra ký kết các hợp đồng với DN, tại sao cho phép điều chỉnh trạm thu phí. Nếu sai về điều chỉnh sau khi cấp phép, cá nhân người ký quyết định phải bị xử lý theo Luật Dân sự, xử lý thực sự chứ không phải là đổ cho chính sách, cho cơ chế.
 
Cũng bàn về vấn đề các yếu kém của BOT đường bộ và cụ thể là của trạm thu phí BOT Cai Lậy đang gây xôn xao dư luận, phóng viên Dân Trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam.
 
Nhiều kẽ hở, vai trò giám sát ở đâu?
 
Thưa ông Thanh, đại diện lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, trạm thu phí BOT Cai Lậy được đặt ở vị trí hiện tại là đúng, ông có bình luận gì về vấn đề này?
 
Bộ GTVT cho rằng trạm thu phí đặt thế là đúng, tôi cho rằng không sai nhưng cũng chưa đúng. Không sai vì ông thỏa thuận rất đầy đủ, chính quyền địa phương cũng ký tá nhưng chưa đúng vì chủ đầu tư đường tránh hơn 1.000 tỷ đồng nhưng đầu tư đường tránh có hơn 300 tỷ đồng mà thôi nhưng đặt trạm thu cho cả 2 đường thì người dân không đồng tình là đúng rồi.
 
Đáng ra đầu tư đường tránh đặt ở nhánh chữ Y đó, đầu tư ở QL 1 thu QL 1. Gộp cả hai cái để thu nên người dân không đồng ý là đúng rồi. Tại sao người dân chỉ được đi một trong hai con đường, không đi đường tránh vẫn phải nộp tiền. Chưa đúng là ở chỗ đó.
 
Theo tôi, vấn đề này không phải trường hợp cá biệt đâu, còn nhiều đường tránh khác như đường tránh Vinh, Quốc lộ 37, QL 3 - Thái Nguyên.
 
Dự án được chỉ định đầu tư, Nhà nước đưa ra điều kiện rất ngặt nghèo không ai dám đấu thầu cả, sau đó cơ quan Nhà nước phải chỉ định thầu. Khi đó đơn vị được chỉ định thầu lại đề nghị sửa đổi các dự án. Ở trên tuyến Cai Lậy vấn đề này tương tự như vậy, ông có ý kiến gì?
 
Cơ quan quản lý Nhà nước đang phải chạy theo các nhà đầu tư. Khi kêu đấu thầu không ai vào cả đến khi chỉ định thầu, nhà đầu tư nêu điều kiện thì bắt buộc Nhà nước đáp ứng. Nhà đầu tư đang điều khiển cơ quan Nhà nước nên nêu điều kiện là chuyện khá dễ hiểu và từ đó phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến BOT.
 
Trong bối cảnh mình cần đầu tư các dự án mình chấp nhận các điều kiện nhưng là chấp nhận đến mức nào thì cần bản lĩnh của Nhà nước.
 
Một dự án BOT có hơn 10 bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương giám sát, đánh giá, nhưng kẽ hở về chênh dự toán vốn nhiều tỷ đồng, thay đổi cách đặt trạm, thay đổi điều kiện dự án... vẫn diễn ra. Gần đây sau nhiều kết luận Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, thấy rõ các nhà đầu tư vẫn qua mặt nhiều bên giám sát, ông nghĩ sao về điều này?
 
Người dân không được tham gia giám sát từ khi lập dự án, cho ý kiến, đến khi quản lý, thu phí. Chúng ta đang ưu ái quá nhiều cho chủ đầu tư, trong khi người dân đang bị đặt vào thế đã rồi. Câu chuyện tại sao có lỗ hổng quản lý dù 10 đến 13 bộ, cơ quan giám sát dự án đó, theo tôi đây là câu hỏi liên quan đến quản lý Nhà nước và họ phải trả lời.
 
Trân trọng cảm ơn hai chuyên gia!
 
Theo Nguyễn Tuyền/Dân trí
 
.