Chính thức vào sân chơi EU
Cập nhật lúc 23:03, Thứ ba, 08/12/2015 (GMT+7)
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đàm phán xong là mong đợi lớn của doanh nghiệp Việt Nam. Với Đồng Nai, châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn. Khi hiệp định ký kết, theo lộ trình 99% dòng thuế giảm dần về 0% sẽ giúp doanh nghiệp có thể tăng xuất khẩu, nhập khẩu nguyên liệu để hưởng các ưu đãi. ( hàng hóa xuất khẩu, gia nhập EU, Liên Minh Châu Âu)
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đàm phán xong là mong đợi lớn của doanh nghiệp Việt Nam. Với Đồng Nai, châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn. Khi hiệp định ký kết, theo lộ trình 99% dòng thuế giảm dần về 0% sẽ giúp doanh nghiệp có thể tăng xuất khẩu, nhập khẩu nguyên liệu để hưởng các ưu đãi.
Thị trường EU gồm 28 nước, song doanh nghiệp Đồng Nai chỉ tập trung vào 5 đối tác lớn là: Anh, Pháp, Đức, Hà Lan và Đan Mạch, chiếm hơn 65% tổng kim ngạch thương mại giữa hai khu vực. Vì thế, EVFTA sẽ là dịp để các doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường giao thương với những quốc gia khác trong khối EU. Nhóm hàng Đồng Nai xuất khẩu vào EU nhiều là: giày dép, túi xách, hàng dệt may, sản phẩm gỗ... Còn các mặt hàng Đồng Nai nhập khẩu nhiều từ EU là: máy móc thiết bị, phụ tùng, dược phẩm, nguyên phụ liệu dệt may.
Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cố vấn đoàn đàm phán Chính phủ, EVFTA linh hoạt và không đòi hỏi gắt gao như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với may mặc xuất khẩu vào EU, chỉ cần đảm bảo 2 nguyên tắc là xuất xứ vải và chất lượng sản phẩm. Sau khi ký kết hiệp định, nếu bên nào vi phạm nguyên tắc chỉ thông báo để điều chỉnh chứ không xử lý”. Cũng theo ông Tuyển, muốn tận dụng các ưu đãi từ hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp Đồng Nai nên chủ động nguồn nguyên liệu trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước trong khối EU. Và doanh nghiệp nên mở rộng thị trường xuất nhập khẩu ra nhiều quốc gia khác trong EU. Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam, chia sẻ: “EVFTA có hiệu lực thuế mặt hàng giày dép giảm dần về 0%. Đây là cơ hội doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu vào thị trường này. Tuy nhiên, để hưởng các ưu đãi doanh nghiệp tìm nguồn nguyên liệu trong nước hoặc các nước trong khối EU”. Ngoài mở rộng thị trường xuất khẩu vào EU, đây là cơ hội để mời gọi đầu tư từ các nước EU vào Việt Nam. “Để đón đầu EVFTA, thời gian qua Sở Công thương đã tổ chức hội thảo để cung cấp trước thông tin cho các doanh nghiệp về thị trường EU. Qua đó, doanh nghiệp nắm được những thuận lợi, khó khăn khi Việt Nam chính thức ký kết Hiệp định để có chuẩn bị từ trước sẽ khai thác nhiều lợi thế hơn” - ông Dương Minh Dũng, Phó giám đốc Sở Công thương nói.
Theo Báo Đồng Nai
.