(BVPL) - Chính phủ đang có dự thảo tờ trình về Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), một trong những chính sách được đề cập trong Luật đó là chính sách về tài chính, thuế.

 


Nhằm hạn chế những bất cập tại Nghị định 56, dự thảo Luật quy định: doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa được áp dụng mức thuế suất thuế TNDN thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp quy định tại pháp luật thuế TNDN; Doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng mức thuế suất thấp hơn doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa. Việc giảm thuế TNDN theo 3 cấp quy mô doanh nghiệp của Nhà nước được xem như là một khoản đầu tư để nuôi dưỡng nguồn thu, tăng mức độ tích lũy của DNNVV, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội.  

Ngoài ra, để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, phù hợp với pháp luật thuế TNDN, dự thảo Luật chỉ quy định bổ sung đối tượng và các trường hợp được hưởng ưu đãi thuế TNDN và tham chiếu đến pháp luật thuế TNDN. Mức thuế suất, thời hạn miễn, giảm thuế TNDN được quy định hoặc sửa đổi, bổ sung tại pháp luật. Đồng thời, quán triệt tinh thần Nghị quyết 35/CP-NQ ngày 16/5/2016 của Chính phủ, dự thảo Luật quy định Chính phủ phải tiếp tục cải cách trình tự, thủ tục về thuế, chế độ kế toán theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi cho DNNVV.


Trong tờ trình cũng nêu rõ, kinh nghiệm quốc tế trong miễn, giảm thuế TNDN cho DNNVV cho thấy, nhiều quốc gia áp dụng thuế suất TNDN thấp hơn mức thông thường cho DNNVV. Báo cáo nghiên cứu của OECD cho thấy, chênh lệch thuế suất TNDN của DNNVV so với thuế suất thông thường như sau: Bỉ (11%), Canada (15%), Pháp (19%), Hungary (6%), Nhật Bản (15%), Hàn Quốc (12%), Hà Lan (5,5%), Anh (7%)... Các quốc gia trong khu vực cũng có các chính sách tương tự, cụ thể: doanh nghiệp nhỏ ở Malaysia được ưu đãi thuế suất TNDN 19% so với mức thông thường là 25%; DNNVV ở Singapore được miễn thuế TNDN một phần với các mức miễn 50% hoặc 75%; doanh nghiệp khởi nghiệp ở Singapore được miễn thuế tối đa 200.000 đôla Singapore mỗi năm trong 3 năm đầu hoạt động; Thái Lan miễn và áp thuế TNDN giảm ở mức 10% cho DNNVV cho các thời điểm khác nhau….

Tính đến cuối năm 2015, cả nước có khoảng 3,4 triệu hộ kinh doanh đã được cấp mã số thuế, trong đó có khoảng hơn 2 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đánh giá chung, sở dĩ các hộ kinh doanh không muốn chuyển sang thành lập doanh nghiệp là vì đang được thực hiện cơ chế thuế khoán (quy định tại Thông tư số 92/2015/TT-BTC) đơn giản, dễ dàng hơn so với thủ tục đóng thuế khi trở thành doanh nghiệp; không phải đóng bảo hiểm cho người lao động… Đây là khu vực kinh tế có tiềm năng, đóng góp lớn cho nền kinh tế. Nhà nước cần có các chính sách để khuyến khích đối tượng này từ khu vực kinh tế phi chính thức sang khu vực kinh tế chính thức, hạch toán minh bạch và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Do vậy, để khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển sang thành lập doanh nghiệp, Nhà nước cần có chính sách thuế áp dụng cho doanh nghiệp siêu nhỏ, khác với quy định hiện hành theo hướng đơn giản, dễ thực hiện, tần suất nộp ít hơn, rút gọn thủ tục nộp thuế và sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo hiểm cho người lao động…

Với nhận định trên, nội dung của Chương trình đã tập trung vào một số hỗ trợ: Hỗ trợ thủ tục chuyển đổi sang doanh nghiệp; Được hưởng ưu đãi về miễn, giảm thuế TNDN theo quy định của pháp luật thuế TNDN kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 02 năm đầu kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; Hỗ trợ áp dụng chế độ kế toán đơn giản, thuận tiện cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; được miễn phí sử dụng phần mềm kế toán;...
 

Nguyễn Anh

.