Đại biểu Quốc hội cho rằng, phải chấp nhận phá sản, giải thể các doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém để phát triển mạnh, bền vững trong tương lai.
Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Lương Công Quyết (Thượng tọa Thích Thanh Quyết) đoàn Quảng Ninh đặt vấn đề: Chỉ tiêu quan trọng nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp hơn kế hoạch đã đề ra vào cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng tín dụng 5,76% cuối tháng 4/2017 so với đầu năm là cao nhất kể từ tháng 4/2010. Trong khi GDP 4 tháng qua tăng trưởng thấp cho thấy tăng trưởng tín dụng cao đã không thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế. Vì sao?
|
Đại biểu Quốc hội Lương Công Quyết |
Theo đại biểu Lương Công Quyết, về chất lượng, sức cạnh tranh, mô hình phát triển kinh tế thấp và chưa hợp lý. Lãi suất huy động tiền đồng tăng mạnh, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp thoái vốn, các tập đoàn kinh tế nhà nước còn chậm và xuất hiện tiêu cực. Trong khi đó, chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng cao là 65% mà chưa có giải pháp khả thi hiệu quả. Chi cho đầu tư phát triển thấp làm tăng nợ công, mất cân đối về nguồn lực.
Cho phá sản doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém
Vị đại biểu này đề xuất 8 giải pháp chủ yếu trong thời gian tới để tăng tốc nền kinh tế:
Một, tiếp tục kiên trì mục tiêu, biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chú trọng chất lượng tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, chấp nhận phá sản, giải thể các doanh nghiệp, các ngân hàng yếu kém để phát triển mạnh, bền vững trong tương lại.
Hai, tăng cường và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nợ công, xử lý nợ xấu, sử dụng vốn vay, đảm bảo kế hoạch trả nợ nước ngoài, giảm bội chi ngân sách, nhất là có giải pháp cơ chế cụ thể để giảm chi thường xuyên.
Ba, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại các tập đoàn, doanh nghiệp, chuẩn bị các phương án sử dụng hiệu quả nguồn vốn sau khi bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
Bốn, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư bằng cơ chế, chính sách rõ ràng cụ thể để ưu tiên các dự án đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ phụ trợ và lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
Năm, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Quy hoạch vùng chăn nuôi, trồng trọt, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người nông dân theo chuỗi từ khâu sản xuất đến bao tiêu sản phẩm, gắn liền với việc bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sáu, trong trung và dài hạn, tiến trình hội nhập quốc tế đang thay đổi nhanh chóng, tạo nhiều cơ hội và thách thức. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những đột phá rất quan trọng trong lĩnh vực công nghệ cao và then chốt như năng lực, công nghệ thông tin, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo.v.v.. sẽ xuất hiện làn sóng khởi nghiệp mới trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam chúng ta cần nắm bắt xu hướng này và xây dựng pháp luật, cơ chế, chính sách mang tính ổn định, lâu dài.
Bảy, đẩy mạnh và quyết liệt hơn nữa về xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống để góp phần giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển, giảm nợ công và có ngân sách để tăng lương cải thiện cuộc sống của nhân dân.
Tám, tiếp tục đẩy mạnh ngăn chặn có hiệu quả suy thoái, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Giảm thâm hụt ngân sáchm kiềm chế lạm phát
Cũng "hiến kế" cho tăng trưởng kinh tế, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cho rằng, cần phải tập trung vào điều hành vĩ mô nền kinh tế trong thời gian tới.
"Nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ lúc này là ổn định môi trường kinh tế vĩ mô và cải thiện môi trường kinh doanh, nghĩa là phải tháo gỡ các rào cản cho doanh nghiệp," ông Phương lưu ý.
Để làm được điều đó, theo đại biểu Trịnh Ngọc Phương, Chính phủ cần kiên trì 2 mục tiêu là giảm thâm hụt ngân sách nhằm bảo đảm tính bền vững của nợ công và giữ ổn định lạm pháp.
|
Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương |
Với mục tiêu thứ nhất, ông Phương kiến nghị dùng chính sách tài khóa, điều này đồng nghĩa với việc cắt giảm ở phiếu chi chứ không phải tăng thu, giảm thu như trong thời gian vừa qua. Điều đó làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp và làm xấu đi môi trường kinh doanh, giảm chi cụ thể là chi thường xuyên, đây là bài toán cực kỳ khó do bộ máy hành chính công hiện nay quá cồng kềnh, chi tiêu lãng phí.
Với mục tiêu lạm phát, đại biểu đoàn Tây Ninh lưu ý: Trong những tháng đầu năm 2017, lạm phát cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 và so với mục tiêu lạm phát bình quân 4% do Quốc hội đề ra. Từ đó làm cho sức ép lạm phát và nguy cơ mất giá đồng tiền luôn thường trục trong nền kinh tế Việt Nam. Vì thế, theo ông Trịnh Ngọc Phương, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và chính sách kinh tế vĩ mô khác, kiểm soát chặt chẽ liều lượng và thời điểm phát hành trái phiếu Chính phủ cũng như việc điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý.
Đại biểu Phương cũng nhấn mạnh: Gốc rễ của vấn đề nằm ở chỗ thâm hụt ngân sách, nếu giải quyết được điều này thì các mục tiêu về lạm phát hay giảm thuế phí cho doanh nghiệp sẽ dễ dàng đạt được. Nếu không, ngân hàng nhà nước sẽ phải tiếp tục hỗ trợ ngân sách một cách trực tiếp hay gián tiếp, còn Bộ Tài chính thì tiếp tục phải nghĩ ra các loại thuế, phí mới để bù đắp cho các khoản thu mất đi do hội nhập quốc tế./.
Trong năm 2016 có 56 doanh nghiệp nhà nước được phê duyệt với phương án cổ phần hóa, đây là con số rất thấp so với trung bình 118 doanh nghiệp được cổ phần hóa mỗi năm trong giai đoạn 2011-2015. Trong những tháng đầu năm 2017 mới có 9 doanh nghiệp nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa và thoái vốn, thu về trên 14,2 nghìn tỷ đồng. (Đại biểu Hoàng Văn Hùng đoàn Thái Nguyên cung cấp) |
Theo Trần Ngọc/VOV.VN