Dáng người "dây", chân đi ủng, quần áo nhem nhuốc bùn đất, chàng thanh niên Nguyễn Đình Thiện ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, tất tả đuổi đàn trâu bụng căng tròn ra khỏi vườn đào. 
 
Thấy chủ lại gần, những con trâu đen mòng thủng thẳng quay đầu ra bãi cỏ hoang gần đó. Đúng 17h, không cần thúc giục, đàn trâu hơn 60 con của Thiện tự sang đường để về căn lán bên kia đường. Xung quanh bãi chăn thả ấy là những tòa chung cư cao tầng chưa có người ở trên đường Lê Văn Lương kéo dài.
 
Đàn trâu của Thiện được chăn thả ở khu ruộng bỏ hoang gần đường Lê Văn Lương kéo dàii. Ảnh: Bình Minh.
Đàn trâu của Thiện được chăn thả ở khu ruộng bỏ hoang gần đường Lê Văn Lương kéo dàii. Ảnh: Bình Minh.
 
Lội ra khỏi bãi cỏ sình lầy, Thiện phóng chiếc xe máy cũ kỹ theo đàn trâu đang về chuồng. Hàng ngày, công việc của ông chủ trẻ này là 6h sáng đưa trâu đi ăn cỏ, trưa dắt đi tắm, thời gian còn lại ngồi canh chừng để chúng không phá mấy gốc đào của dân. Hơn 20 tuổi, Thiện có trong tay gia tài lớn nhờ nuôi trâu giữa phố. "Bố bạn gái hỏi em làm nghề gì, em bảo cháu chăn trâu, bác ấy không tin nhưng sự thực là suốt 3 năm nay em chỉ quanh quẩn với đàn trâu trên bãi đất trống sau những tòa chung cư trên đường Lê Văn Lương", Thiện bộc bạch.
 
Hết lớp 10, Thiện nghỉ học ở nhà đi chăn trâu, làm máy xát, máy cày trên đồng ruộng cùng bố. Năm 2004, tiếc đồng bị bỏ hoang nhiều, phần vì cắm cho dự án đường, chung cư, phần người dân bỏ không cấy, Thiện bàn với bố vay 6 chỉ vàng mua 3 cặp trâu nuôi để phụ giúp gia đình. Năm 2006, đàn trâu nhà cậu đã có tới 38 con.
 
Sau khi đất ở làng tiếp tục bị cắm dự án, không còn đồng nên năm 2007, cậu bán hết trâu để vào miền Nam buôn rau quả rồi phụ tùng ôtô, xe máy. Thời gian đó, cậu chuyên đánh hàng qua cửa khẩu rồi về đổ buôn cho các garage. Những ngày Thiện làm ăn xa, bố cậu, ông Nguyễn Đình Hòe (65 tuổi) tiếp tục đầu tư mua vài con trâu để nuôi. Biết con kiếm được tiền nhưng sợ Thiện xa nhà dễ sa ngã, năm 2010, ông Hòe gọi cậu về và giao lại cho đàn trâu hơn chục con. Thấy Thiện bỏ công việc "hái ra tiền" trong Nam để về chăn trâu, hàng xóm ai cũng chê "hâm, dở hơi".
 
Sẵn có vốn sau vài năm đi buôn trong Nam, cậu cùng gia đình phát triển đàn trâu đó. Tận dụng những khu đất trống quanh chung cư, có lúc đàn trâu của Thiện lên tới 100 con. Năm ngoái, cậu bán bớt vài chục con lấy tiền xây nhà. Hiện đàn trâu của cậu chỉ còn khoảng 60 con với hơn 20 con nuôi bán thịt và 40 con nuôi đẻ. Một mình không thể trông nổi đàn trâu lớn, cậu phải tách đàn ra chăn cho dễ và thuê thêm người chăn cùng.
 
"Đại gia" chăn trâu 8x từng bị cho là "hâm, dở hơi" khi bỏ công việc hái ra tiền trong miền Nam để về nuôi trâu. Ảnh: Bình Minh.
 
Phất lên nhờ nuôi trâu, Thiện vẫn đậm chất nông dân với cách nói chuyện dân dã. Thiện bảo nuôi trâu không mất gì ngoài công chăm sóc vì sẵn đồng cỏ, không mất tiền mua thức ăn. Số vốn khoảng 300 triệu đồng ban đầu cậu đã thu hồi từ lâu để quay vòng, hiện chỉ thu lãi.
 
"Em thích chăn trâu vì đồng tiền làm ra không bị hao hụt. Tính ra, mỗi con trâu có thể mang lại cho em 1 đến 2 triệu đồng mỗi tháng. Cả năm em thu vài trăm triệu đồng là chuyện thường", Thiện nói.
 
Một năm, Thiện chia ra hai đợt bán trâu cung cấp cho các lò mổ khắp nơi. Muốn bán được giá, đàn trâu thịt của cậu được chăn ở bãi cỏ chất lượng hơn trâu đẻ. Theo cậu, cỏ phải non, tốt, trâu béo mới cho thịt đỏ được. Trên thị trường, giá thịt trâu hơi là 200.000 đồng một kg. Ngoài thịt, phân trâu cũng được các hộ trồng màu đặt hàng với giá 10.000 đồng một bao.
 
Nhắc tới đàn trâu béo mập, Thiện thích thú chia sẻ trâu của cậu rất khôn, biết tự sang đường, tự dẫn nhau đi ăn, đi tắm rồi kéo nhau về chuồng mà không cần chủ lùa. Không thể dắt đàn trâu khổng lồ diễu phố về nhà, cậu căng dây làm lán ngay tại cánh đồng cỏ gần đường Lê Văn Lương kéo dài. Thỉnh thoảng buổi tối, Thiện mới phải ra ngó qua một chút chứ không cần ngủ lại trông.
 
Chàng trai trẻ cho biết thêm, tối nào ra thăm trâu, cậu đều phải lấy đèn pin soi kỹ người mình từ đầu tới chân trước khi bước vào chuồng để tránh bị trâu húc. Ngày mới thấy trâu đẻ, cậu lóng ngóng lấy kéo cắt dây rốn rồi dùng chỉ, vải băng quấn lại cho khô. Trước đó, mấy hôm, cậu phải tham khảo kinh nghiệm của bố và những người từng nuôi trâu. Có lần, sáng ra chuồng thấy mấy con nghé mới biết trâu đẻ.
 
Những ngày đầu mới nuôi, chưa có kinh nghiệm mua trâu, cậu thường bị các lái trâu “dắt mũi” bán đắt. Để mua được rẻ, Thiện thường phải lên vùng Hòa Bình, Phú Thọ lùng trâu. Tại đây, cậu nhờ các đầu nậu là người bản địa thu gom, chỉ cần đánh xe lên chở về. Mỗi chuyến, cậu mang về 10-20 con. Tùy thuộc vào trâu ở từng vùng, Thiện sẽ điều chỉnh và huấn luyện cho chúng thích nghi. Những con trâu quen ăn đồng cỏ sẽ dễ nuôi hơn trâu quen uống nước khe suối.
 
Đàn trâu của Thiện có lúc lên tới 100 con. Hiện tại đất ruộng bị thu hẹp nên cậu vừa giảm đàn xuống còn hơn 60 con. Ảnh: Bình Minh.
Đàn trâu của Thiện có lúc lên tới 100 con. Hiện tại đất ruộng bị thu hẹp nên cậu vừa giảm đàn xuống còn hơn 60 con. Ảnh: Bình Minh.
 
Chia sẻ kinh nghiệm về trâu, Thiện cho hay nuôi con vật này cũng cần mát tay. Nhiều người trong làng thấy cậu nuôi dễ cũng bỏ vốn đầu tư nhưng trâu không béo mà ngày càng gầy và dính dịch bệnh rồi chết. “Lúc mua, em nhìn vào phần khấu đuôi của trâu. Nếu khấu đuôi thấp, con ấy nuôi sẽ nhanh béo, ngược lại nuôi chỉ tốn công mà vẫn gầy”, Thiện chia sẻ.
 
Theo Thiện, giá mỗi con trâu sẽ được người bán và người mua định lượng bằng việc quan sát xem liệu con trâu ấy sẽ cho khoảng bao nhiêu thịt, rồi căn cứ vào giá thịt trâu ngoài thị trường. Đôi khi một con nghé có giá cao hơn cả một con trâu trưởng thành. Hiện tại, nghé một năm tuổi của cậu có giá 25 triệu đồng. Thông thường, Thiện sẽ gom cả trâu đực, cái và nghé, miễn là được giá.
 
Thời điểm thuận lợi nhất để mua trâu là dịp Tết và đầu năm học. Thiện giải thích, người dân cần tiền để mua sắm và đóng tiền học cho con nên sẽ bán rẻ. Ngoài ra, mùa đông mua dễ nhưng nuôi trâu lại khó vì không có đồng cỏ. Ngược lại mua vào dịp tháng 2 tuy đắt nhưng trâu nhanh béo hơn.
 
Biết nuôi trâu có lợi nhuận cao nhưng Thiện thừa nhận còn phải phụ thuộc vào đồng cỏ. Mỗi năm đất bị thu hẹp do cắm cho dự án, cậu lại phải giảm bớt số lượng trâu xuống. Thiện khẳng định, với tiến độ thi công của các dự án và ruộng đất bỏ hoang nhiều như hiện nay, đàn trâu của cậu vẫn có "đất sống" trong vòng 10 năm nữa.
 
Ham làm giàu nên đến giờ Thiện vẫn chưa tính đến chuyện lập gia đình. Nhìn lại bộ dạng lấm lem của mình, Thiện cười xòa: "Trông em thế này thôi nhưng buổi tối đi chơi với người yêu, không ai nghĩ em đi chăn trâu đâu". Đại gia chăn trâu tính nếu không còn "bám đuôi trâu" được nữa, cậu sẽ chuyển sang buôn bán phụ tùng xe hơi, xe máy như trước đây.
 
Nhắc đến cậu con trai nhạy bén, ông Hòe tự hào khoe ngôi nhà khang trang Thiện xây năm ngoái từ tiền nuôi trâu. Trong 6 đứa con, ông Hòe nhận xét Thiện là đứa chịu khó, biết nghe lời.
 
"Chăn trâu trông nhếch nhác thế thôi nhưng kiếm ra tiền nên Thiện rất ham. Thanh niên như nó phải lao động chính đáng. Sau khi giao lại đàn trâu cho con, bây giờ tôi chỉ là người cố vấn và thỉnh thoảng ra trông giúp nó", ông Hòe nói.
 
Theo ông Nguyễn Văn Khoa, tổ trưởng tổ dân phố 7, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội, gia đình Thiện là một trong số ít hộ nuôi trâu ở phường với số lượng lớn. Sinh ra trong một gia đình thuần nông, thanh niên này rất chịu khó, không có dấu hiệu chơi bời. Sau khi ruộng đất cắm cho dự án, được sự trợ giúp của bố mẹ, cậu đã gây dựng được đàn trâu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Theo VnExpress