Đó là nội dung chính của hội nghị “Phát triển vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp” được Sở Xây dựng tổ chức vào ngày 14/10, tại khu du lịch Mỹ Trà, TP.Cao Lãnh. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành và các chủ lò gạch trên địa bàn tỉnh.


Nhằm mục tiêu góp phần bảo vệ môi trường, an ninh lương thực và thực hiện các quy định  về việc hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung, tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung theo Quyết định số 567/QĐ- TTg; Chỉ thị số 10/CT –TTg của Thủ tướng Chính phủ, vừa qua, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành đề án “Phát triển  vật liệu xây không nung và hạn chế sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”. Đề án là cơ sở để từng bước thay thế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung bằng các vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đề án cũng đề xuất  các giải pháp thực hiện các quy định, chính sách, chế độ hỗ trợ cho việc chuyển đổi sản xuất gạch đất sét nung sang sản xuất vật liệu xây không nung, góp phần đáp ứng nhu cầu về sử dụng vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh.

Theo mục tiêu của đề án, năm 2015 sẽ phát triển và thay thế khoảng từ 20 – 25% lượng vật liệu xây không nung trong tổng vật liệu xây trên toàn tỉnh. Đến năm 2018, sẽ phát triển thay thế khoảng 30 – 40% lượng vật liệu xây không nung. Theo lộ trình đến hết năm 2015 sẽ chấm dứt hoạt động khoảng 10% các lò thủ công, năm 2017 sẽ chấm dứt hoạt động từ 40 – 50% số lượng lò và năm 2018 sẽ chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các lò thủ công.

Tại hội nghị, nhiều chủ lò gạch bày tỏ những trăn trở về lộ trình thực hiện của đề án; nhiều ý kiến cho rằng, cần có sự thống nhất về lộ trình thực hiện đề án phát triển vật liệu xây không nung giữa các tỉnh, thành trong khu vực. Đồng thời, các chủ lò gạch cũng đề xuất tăng mức hỗ trợ đối với việc tháo dỡ lò gạch truyền thống, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề hợp lý cho lực lượng lao động đang làm việc tại các lò gạch thủ công hiện nay...

 

Theo Báo Đồng Tháp

.