Tấm áo quý tộc của Sa Pa
Du lịch cao cấp cũng đồng nghĩa với nghỉ ở khách sạn hạng siêu sang và tận hưởng những dịch vụ sang trọng và thuận tiện đến tận …chân răng. Với Sa Pa bao năm qua, khái niệm ấy vô cùng lạ lẫm, bởi Sa Pa vốn thô mộc, giản dị như cái cách mà người dân bản địa học nói tiếng Anh để đón Tây ba lô vậy. Lâu mãi thành quen, nên chẳng ai ngờ có một ngày Sa Pa có thể sang chảnh như Phú Quốc hay Đà Nẵng, Hạ Long… khoác lên mình tấm áo quý tộc như được “thửa riêng”, được đo ni đóng giày với vẻ đẹp nguyên thuỷ của nó, để chiều lòng giới thượng lưu.
Sa Pa giờ đây đã bắt đầu sang chảnh. Và tấm áo quý tộc đó chính là Hotel de la Coupole, M Gallery by Sofitel!
Trên thực tế, những năm gần đây, tại thị trấn sương mù đã mọc lên không ít khách sạn 4 sao đủ để mang đến những dịch vụ có thể coi là sang cho du khách. Nhưng phải đến khi khách sạn đẳng cấp 5 sao quốc tế Hotel de la Coupole, MGallery by Sofitel ra đời vào cuối năm 2018 thì xu thế du lịch cao cấp tại Sapa mới thực sự được định hình, được đón nhận và được vinh danh. Chính sự ra đời của khách sạn sang trọng này đã làm sống dậy một giai đoạn lịch sử huy hoàng của thị trấn Sapa vào những năm đầu của thế kỷ 20 – kỷ nguyên mà Sa Pa được gọi tên là “kinh đô mùa hè”, là thiên đường nghỉ dưỡng của giới thượng lưu Pháp.
Thời điểm đó, rất nhiều những khách sạn cao cấp mọc lên tại Sa Pa như như Le Premier, The Metropole… với phong cách thiết kế cực kỳ sang chảnh. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, thiên đường nghỉ dưỡng Sa Pa dường như chìm vào quên lãng trong ký ức của giới quý tộc. Và giờ đây, lịch sử huy hoàng đó của thị trấn mù sương được tái sinh một cách sống động qua lối thiết kế đậm chất phồn hoa của nước Pháp, trong sự kết hợp hoàn mỹ với vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Tây Bắc, ngay tại khách sạn Hotel de la Coupole, MGallery by Sofitel. Sa Pa trở lại kỷ nguyên của nghỉ dưỡng xa xỉ- điều mà một thế kỷ trước không phải là thứ gì đó xa lạ với thị trấn trong sương.
Đưa thế giới “Gatsby vĩ đại” vào đời thực
Sang trọng và đầy cốt cách – đó chính là điều mà du khách có thể cảm nhận rõ nhất ngay từ khi đặt bước chân đầu tiên đến sảnh chờ khách sạn 5 sao này. Lấy cảm hứng từ những cửa hàng thời trang sang trọng tại Paris những năm 1900, sảnh chờ của Hotel de la Coupole được trang hoàng với hàng ngàn rương hòm, hàng trăm chiếc mũ lơ lửng trên không trung, vô số suốt chỉ, ma-nơ-canh, những bộ váy lấp lánh, vòng cổ bộ lạc, áo lông thú và 500 cuộn chỉ quá khổ. Nếu ai đó nói rằng đây là một trung tâm thời trang của Pháp được phục dựng ở Sa Pa thì chắc cũng không sai. Nhưng thú vị hơn, dấu ấn Pháp đó lại được thêm thắt vào những yếu tố văn hoá bản địa của vùng cao Tây Bắc một cách khéo léo, khiến cho các tín đồ thời trang giống như được thưởng thức một bữa tiệc buffet của thời trang trong khối kiến trúc rất lộng lẫy và cũng rất lạ kỳ ấy.
Bước qua sảnh chờ, ngỡ như đi lạc vào cung điện Versaille lộng lẫy nhất Châu Âu khi ở bất cứ góc nào cũng có thể nhìn thấy những cửa sổ hình vòm sắc màu khi phản chiếu ánh sáng, những chiếc đèn chùm khổng lồ hoa lệ... Vẻ xa hoa Pháp và nét diễm lệ Tây Bắc còn được kiến trúc sư lừng danh thế giới Bill Bensley kết hợp một cách đầy ngẫu hứng trong toàn bộ 249 phòng của khách sạn. Màu sắc sống động với hồng, xanh lá, da trời… đó là ấn tượng đầu tiên mà từng phòng khách sạn đánh vào thị giác – và đó là những sắc màu được xây dựng trên nguyên lý Pháp cơ bản trong sự xen kẽ với màu sắc của các trang phục vùng cao Tây Bắc. Hàng ngàn bức vẽ mẫu thời trang, vô số món đồ cổ thu thập từ khắp nơi trên thế giới, các đường viền và panel gỗ đậm chất Pháp được đặt khéo léo bên những hoạ tiết đặc trưng của dân tộc H’Mong, Dao, Xá Phó, Tày, Giáy… và những phụ kiện trang trí bằng bạc trên nón đội đầu của thiếu nữ vùng cao. Dường như, Bill Bensley đang viết nên một cuốn tiểu thuyết về cuộc sống của người Pháp giữa những bộ tộc Sa Pa những năm 1920-1930. Ở đó, ranh giới văn hoá bị xoá nhoà, và người ta chỉ sống với niềm đam mê nghệ thuật, say đắm với thời trang và tận hưởng lối sống xa hoa của thập kỷ Gatsby.
Xa hoa đến độ, từng nhà hàng trong khách sạn cũng được tạo nên để kể câu chuyện của riêng mình. Nhà hàng buffet Chic tái hiện một show diễn thời trang với trung tâm là một sàn catwalk, và quanh đó là những máy khâu cổ, các suốt chỉ, vải vóc thổ cẩm… Trong khi đó, cửa hàng Cacao lại mang hình ảnh của một cửa hàng bánh ngọt xa hoa tại Paris được trang hoàng với gam hồng rực rỡ, nơi chứa đầy chocolate ngọt ngào dành cho những kẻ đang yêu. Ngay cả bể bơi nước nóng trong nhà cũng là để kể về một câu chuyện tình đầy lãng mạn của một quý bà.
Điều thú vị là khách sạn này không chỉ khởi đầu cho xu thế nghỉ dưỡng cao cấp tại Sapa, mà còn khai sinh ra một xu thế du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí khép kín, khi từ ngay trong khách sạn, du khách sẽ có lối đi riêng để bước tới toa tàu hoả leo núi Mường Hoa băng qua thung lũng để đến Ga đi cáp treo Fansipan và dấn thân vào hành trình lên đỉnh trời kỳ vĩ. Cũng từ vị trí trung tâm của khách sạn, du khách có thể tản bộ qua nhà thờ đá, lang thang giữa chợ đêm Sa Pa xem con trai con gái vùng cao múa hát giữa chợ tình, và cảm nhận vẻ đẹp hoang sơ kỳ vĩ lay động lòng người của núi rừng Tây Bắc.
Sa Pa đang trở lại thời hoàng kim ngày xưa ấy, theo một cách tuyệt vời như thế, bởi một công trình nghỉ dưỡng tuyệt mỹ được tạo nên bằng tình yêu với lịch sử và văn hóa của vùng đất này.