Bộ Tài chính: DN mất 40% lợi nhuận nộp thuế là không chính xác
Cập nhật lúc 23:48, Thứ hai, 29/02/2016 (GMT+7)
Theo Bộ Tài chính thông tin doanh nghiệp Việt Nam phải dành gần 40% lợi nhuận để nộp thuế là không chính xác. (nộp thuế, lợi nhuận , doanh nghiệp, Bộ Tài chính )
Theo Bộ Tài chính thông tin doanh nghiệp Việt Nam phải dành gần 40% lợi nhuận để nộp thuế là không chính xác.
Bộ Tài chính cho rằng việc tính gộp cả các khoản đóng góp của doanh nghiệp như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phí công đoàn thuộc lĩnh vực lao động, bảo hiểm thất nghiệp để dẫn tới cách hiểu tỷ lệ thu thuế/lợi nhuận của doanh nghiệp tại Việt Nam ở mức cao là chưa đúng.
Bộ Tài chính dẫn số liệu thống kê cho thấy, tỷ trọng tổng số thu ngân sách nhà nước trên GDP của Việt Nam giai đoạn năm 2011-2015 khoảng 23,3%. Trong đó, tỷ lệ động viên từ thuế, phí khoảng 20,9%. Trong khi đó, tỷ trọng này ở một số nước trong khu vực như Thái Lan là 23%, Lào 23,4%, Malaysia là 24,5%...
Tại Việt Nam, nếu loại trừ thu từ dầu thô thì tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí tính chung ở Việt Nam khoảng 17,2% GDP. Và nếu tiếp tục loại trừ thu từ tiền sử dụng đất thì tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí ở Việt Nam vào khoảng 15,6%.
Bộ Tài chính khẳng định, tỷ lệ động viên của các sắc thuế chính ở mức thấp và đang được điều chỉnh theo xu hướng giảm dần. Đơn cử, với thuế Thu nhập doanh nghiệp từ mức 32% năm 1999 giảm còn 20% và mức thuế suất ưu đãi là 10% và 17% từ 1/1/2016.
Nếu so với mức bình quân chung của 83 nước trên thế giới là 27%; so với một số nước trong khu vực có mức thuế suất phổ thông 30% như Philipine, Thái Lan; Trung Quốc 25%, Malaysia 25% thì mức thuế suất phổ thông của Việt Nam được đánh giá là thấp.
Bộ Tài chính khẳng định, trong giai đoạn 2016 – 2020, hệ thống thuế sẽ tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện đảm bảo đúng mục tiêu theo chiến lược cải cách đã đặt ra là xây dựng và thực hiện chính sách huy động từ thuế, phí và lệ phí hợp lý nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ sản xuất trong nước, khuyến khích xuất khẩu, khuyến khích đầu tư.
Theo đó, tỷ lệ huy động ngân sách nhà nước và tỷ lệ động viên từ thuế phí và lệ phí trên GDP ở mức hợp lý tăng khả năng cạnh tranh và tích tụ vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp./.
Theo VOV
.