(BVPL) - Ngày 24/6/2016, đoàn công tác của Bộ GTVT và Cục CSGT đường bộ, đường sắt đã về tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp vận tải Hải Phòng. Nhiều kiến nghị của DN đã và đang được tháo gỡ khịp thời.
 
Đoàn công tác có đồng chí Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó Cục trưởng Cục CSGT; đồng chí Nguyễn Trọng Thái – Chánh VP, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia… đã tham gia Hội nghị tiếp xúc với trên 100 lãnh đạo các doanh nghiệp vận tải thuộc Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng.
 
Ông Lê Văn Tiến – Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng phát biểu tại Hội nghị
Ông Lê Văn Tiến – Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng phát biểu tại Hội nghị
 
Ông Lê Văn Tiến – Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng đã thay mặt cho các doanh nghiệp vận tải nêu ra một số những khó khăn vướng mắc nổi cộm trong hoạt động kinh doanh đang cần sự quan tâm tháo gỡ, giải quyết của các cơ quan chức năng như sau:
 
Thứ nhất là về chính sách thuế và phí còn nhiều bất cập. Giá vé các tuyến đường cao tốc chưa phù hợp với giá cước vận chuyển mà doanh nghiệp đang ký hợp đồng vận chuyển với chủ hàng, chưa phù hợp với thu nhập quốc dân và sự phát triển kinh tế đất nước. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và sự phát triển của thành phố Hải Phòng và đất nước. Đề nghị Bộ GTVT kiến nghị với Chính phủ sớm xem xét điểu chỉnh mức thu phí đưởng cao tốc để các doanh nghiệp có thể điều tiết phương tiện tham gia trên đường cao tốc để tránh lãng phí đầu tư. Tiếp theo là cần quan tâm mức thu phí đường 5 cũ cho phù hợp để các doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi vi con đường này thuộc đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và phù hợp với mức đầu tư BOT của các nhà thầu tránh trường hợp dự án BOT đầu tư chưa nhiều nhưng đã thu phí cao làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.
 
Thứ hai Đề nghị Bộ GTVT, Uỷ ban ATGT quốc gia tiếp tục chỉ đạo siết chặt kinh doanh vận tải; kiểm soát tải trọng phương tiện tránh việc tái phát vận chuyển hàng hóa quá tải. Theo một số doanh nghiệp phản ánh, hiện tượng vận chuyển hàng quá tải vẫn diễn ra tại một số bến thủy nội địa do tư nhân quản lý như bến thủy Dốc Lời tại Gia Lâm Hà Nội…làm ảnh hưởng đến kết cấu cơ sở hạ tầng, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
 
Thứ ba là vấn đề có nhiều bất cập đối với quy định tại Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT ngày 17/9/2015 quy định “tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng và giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông”.
 
Việc Cấp giấy phép hàng siêu trường siêu trọng cho lượt đi thì các phương tiện vận chuyển được phép chở hàng, theo chiều lượt về mà không phải xin cấp Giấy phép; Việc cấp giấy phép liên quan đến tải trọng, khổ giới hạn, không nên quy định theo chủng loại hàng hóa làm cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi xin cấp giấy phép; Việc cấp giấy phép nên quy định thời gian cho phù hợp để doanh nghiệp không phải xin cấp Giấy phép nhiều lần….; Đề nghị công bố tải trọng cầu đường cho các doanh nghiệp vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng được biết cho phù hợp trước khi ký hợp đồng với chủ hàng; Bỏ quy định tại Điểm d Khoản 1, Điểm c,d Khoản 2 Điều 17 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT ngày 07/09/2015 quy định về chiều dài cơ sở để tính tải trọng của SMRM vì có nhiều bất cập đối với các doanh nghiệp vận tải…; Cuối cùng là về vấn đề thẩm quyền cấp giấy phép lưu hành đặc biệt thì Hiệp hội có kiến nghị giữ nguyên quy định về thẩm quyền cấp giấy phép lưu hành xe tại Điều 22 Thông tư 46/2015 TT-BGTVT ngày 17/9/2015 bởi quy định này phù hợp xu hướng cải cách thủ tục hành chính, các doanh nghiệp không bị tốn kém do phải đi lại lên Tổng cục đường bộ xin cấp giấy phép như trước…
 
Sau khi nghe báo cáo của Hiệp hội, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đánh giá: “Tình hình diễn biến tai nạn giao thông từ năm 2011 đến năm 2014 diễn ra vô cùng phức tạp. Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra liên tục khiến số vụ, số người chết, số người bị thương tăng nhanh. Tính trung bình 1 năm có 13.000 người chết vì tai nạn giao thông. Tình trạng xe quá khổ, quá tải, môi trường kinh doanh vận tải đường bộ còn nhiều vấn đề lộn xộn. Tuy nhiên từ năm 2014 đến nay, thì số lượng vụ tai nạn giao thông đã giảm, thị trường kinh doanh vận tải cũng trở nên lành mạnh hơn…đó là kết quả của sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, thể hiện những hướng đi, chỉ đạo mang tính đồng bộ, hiệu quả đi đến sự công khai, minh bạch.
 
Để tháo gỡ một số vấn đề của các DN vận tải, Bộ GTVT đã tham mưu cho Thủ tướng liên tục chỉ đạo quyết liệt bằng một loạt các Nghị định, điều kiện kinh doanh với các doanh nghiệp, tăng cường quản lý Nhà nước và phải tạo được môi trường cho các doanh nghiệp phát triển. Thủ tướng đang chỉ đạo, cố gắng ngày 1/7 sẽ có một loạt các nghị định ra đời trên tinh thần tháo gỡ rào cản, vướng mắc cho các doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng, thu hút đầu tư. Và để làm tốt điều này thì cũng cần phải có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp. Vấn đề phí BOT thì các doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải chia sẻ với nhau. Về phía Nhà nước, theo chỉ đạo của Thủ tướng là không tăng mức phí nữa, rà soát lại để đưa ra các giải pháp mang tính chất hợp lý và phù hợp với sự phát triển doanh nghiệp và sự tăng trưởng của Đất nước. Giải pháp đang dự tính như là dãn thời gian ra để giảm mức phí phù hợp với mức độ tăng trưởng hoặc là tất cả các dự án BOT đến thời điểm hiện nay đang cho thu phí và cho thu phí theo phương án tài chính ban đầu…để làm giảm mức phí. Và về phía các doanh nghiệp cũng phải chia sẻ là dứt khoát phải đầu tư theo BOT và phải thu phí và sẽ thu như thế nào cho phù hợp với các doanh nghiệp…
 
Thứ trưởng Lê Đình Thọ chỉ đạo yêu cầu các cơ quan quản lý địa phương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, không được gây phiền hà khó, tạo rào cản cho các doanh nghiệp trong mọi thủ tục hành chính, cấp giấy phép…
 
Một số chủ doanh nghiệp cũng có những bức xúc với lãnh đạo Cục CSGT về những yêu cầu xuất trình kiểm tra giấy tờ trên đường cũng như quy chế xử phạt còn gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. 
Trả lời cho vấn đề này Phó Cục trưởng Cục CSGT Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: “Sẽ có văn bản trả lời cụ thể về vấn đề quy chế xử phạt, kiểm tra giấy tờ và sẽ khắc phục vấn đề gây khó khăn phiền hà khi các doanh nghiệp bị kiểm tra giấy tờ trên đường. Ông Tuấn cũng đề nghị các doanh nghiệp nếu có vấn đề gì khó khăn, vướng mắc có thể liên hệ đường dây nóng trực 24/24 (069.234.2608) để yêu cầu giải quyết…
 
Minh Trang